Kèo trên - kèo dưới
Trước đây, mình đúng là cô gái mà khi yêu có thể dùng cụm từ mô tả: “cả thế giới xoay quanh một người”. Nói hơi quá thì là như thế đấy. Ngoài “chuyện yêu”, mình cũng có một công việc bận rộn, là một phóng viên mới vào nghề. Nhưng, “điểm yếu” trong các cuộc tình, mình lại là một người rất luỵ. Vì thế, mình luôn tự cho rằng mình – là kèo dưới. Phải khẳng định là, không một ai thích làm kèo dưới. Dù trai hay gái, ai chẳng thích hình tượng cool cool, kiêu sa đúng không? Có ai thích chạy theo một người để cầu xin tình yêu đâu. Trước kia, mình cũng không nằm ngoại lệ, rất không thích, rất ghét và từng chối bỏ bản thân nhiều lần.
Một minh chứng buồn cười của việc chối bỏ bản thân là, mình hay tỏ ra “kèo trên”. Biểu hiện rõ ràng nhất là việc hay giận hờn, không bao giờ chủ động làm lành. Chỉ đến khi mối quan hệ trục trặc: cãi nhau/chia tay, mình “lộ rõ nguyên hình”. Vào lúc đó, sau khi kết thúc một mối quan hệ, mình còn tự hạ quyết tâm sẽ thay đổi bản thân, phấn đấu để “lên kèo trên”, không bao giờ chịu phận “kèo dưới”. Đến bây giờ, khi đang yêu một anh cũng tự nhận mình “kèo dưới”, mình mới hiểu, hoá ra đàn ông và phụ nữ có cách thể hiện kèo “trên-dưới” khác nhau, không chỉ đóng khung trong một vài biểu hiện thường thấy. Điển hình như khi cãi nhau, người chủ động làm lành không hẳn được định nghĩa là kèo dưới và ngược lại. Trên hay dưới không quan trọng và không cần định nghĩa khi bản thân bạn cảm thấy được yêu thương đủ đầy, trọn vẹn. Khi bạn yêu thương, cho đi mà không tính toán vụ lợi, chỉ thực sự mong nửa kia nhận được những gì no bụng nhất (đồ ăn) hay đẹp nhất, có giá trị nhất. Không cần biết trên hay dưới, trong một mối quan hệ, đôi khi chỉ cần một bàn tay luôn luôn ở đó, giang tay ra ôm bạn, vỗ về và níu bạn ở lại.
Đôi chỉ cần, người này nấu cơm người kia rửa bát; người này phơi đồ thì người kia dọn dẹp.
Nhớ là nói, yêu là hành động.
Khi cần sự giúp đỡ, phải lên tiếng. (VD nếu không muốn rửa bát sau những buổi tụ tập bạn bè, hay nói, biết đâu người ấy sẽ sắm ngay một chiếc máy rửa bát cho bạn 🙂
Khi buồn hay giận cũng nói rõ lý do, không tự nhiên im lặng.
Mọi chuyện đều có cách giải quyết, khi hai bên bình tĩnh nói chuyện.
Khoảng riêng tư
Đây là khái niệm mà mình mới biết và thực hành từ khi mình đi du học.
Thực ra trước đây, mình cũng là con người khá độc lập. Khi rảnh rang, mình rất thoải mái và chỉ muốn “hẹn hò” một mình, đi mua sắm và xem phim. Lúc đó, mình bật trạng thái “introvert”, nghĩa là không có nhu cầu nói chuyện với một ai, không muốn chia sẻ thời gian, không gian với ai. Trước có một số anh người yêu cũ thỉnh thoảng đi mua sắm với mình. Trong lúc đợi, họ ngủ gục ở ghế đợi/trên xe, trông vừa giận vừa thương.
Hiện tại, hai yếu tố chính tác động để mình phát triển khoảng riêng tư cá nhân đó là: đi du học và yêu xa. Một năm trở lại đây, mình dành thời gian ở một mình khá nhiều. Người bạn cùng phòng ký túc xá chỉ ở 2 ngày trong tuần, và người yêu mình thì ở xa. Nói không cô đơn là không đúng. Vì thế mình phải tìm cách tối ưu hoá khoảng thời gian một mình, làm bạn với sự cô đơn, một cách hiệu quả.
Một yếu tố quan trọng không kém nữa là sự độc lập của người yêu mình. Việc sinh sống ở nước ngoài khá lâu tập cho anh cũng quen với sự một mình. Anh ấy lại có thêm những sở thích riêng “ngốn” thời gian. Lúc mới quen, đôi khi mình tủi thân và giận hờn tự hỏi: “Ủa, độc lập như vậy, sao còn cần em trong cuộc đời anh?” “Có, vẫn cần”, nói thế thôi và cũng chẳng giải thích thêm gì cả. Mình có gạn hỏi cũng không moi thêm được chữ nào. Đó là cái khó của đàn ông, hoặc ít nhất với những ông không biết cách tán gái.
Mình chỉ thực sự hiểu hơn chữ “cần” mà anh ấy nói khi tụi mình có nhiều thời gian “sống chung” hơn. Có hôm người đi học, người đi làm. Có hôm cùng ở nhà những mỗi người một việc, nhưng vẫn cần những khoảng thời gian “cùng nhau”, cần nhìn thấy nhau hàng ngày. Chúng mình quan sát để biết khoảng không riêng tư mỗi người cần là gì, và học cách tôn trọng thời gian riêng tư của mỗi người. Trong một tập Yêu lành với BinZ, chị Thuỳ Minh chia sẻ về việc thật khó để cho nửa kia biết về khoảng không của mình. Đại ý chị Thuỳ Minh là, có lúc tôi cần một mình dù chỉ một, hai phút thôi để nghĩ một điều gì đó, nhưng khi giây phút ấy qua rồi, tôi cần người kia xuất hiện; tôi cảm tưởng nếu người ấy không bước vào ngay, sự cô đơn sẽ ngay lập tức bủa vây tôi. Mình thực sự đã đang trải nghiệm điều đó.
Chúng mình hay đi du lịch. Nhưng cũng như người yêu mình, mình không có nhu cầu lúc nào cũng phải kè kè cùng người yêu. Nghĩa là chúng mình có thể đi chung hoặc tách ra nếu cả hai thấy ổn. Trong một chuyến đi gần đây, một chị bạn chia sẻ: Tụi em hay nhỉ, vợ chồng chị thì thích đi cùng nhau để tạo kỷ niệm. Nghĩa là sau này có đi lại chỗ đó thì sẽ có ký ức gợi nhắc ngày xưa cả hai đã từng ở đó như thế nào. Lúc đó, chị em mình đang đi lang thang chụp ảnh thành phố Lisbon, còn người yêu mình thì đi gặp bạn. Sau đó, tụi mình lại đi cùng nhau đến những chỗ khác. Bên cạnh việc không ngại khám phá một mình, mình nghĩ điều thú vị ở đây là, cả hai đứa đều rất thành thật thoải mái chia sẻ điều mà mỗi người muốn làm, muốn đi. Ví dụ người yêu mình muốn đi gặp bạn và cùng lúc đó, mình lại muốn đi một địa điểm khác, không có thời gian để khám phá sau đó. Chúng mình sẽ không ép buộc đối phương phải làm điều không thích. Nhưng nếu, anh ấy/mình nhất thiết muốn người kia đi cùng tới một địa điểm A, cả hai sẽ sẵn lòng đi cùng.
Cảm giác “cần” ấy, có thể không phải ai cũng có thể mang đến cho bạn. Mình nghiệm ra: “À, đó là cách yêu lành của người trưởng thành”.
(to be continued)
Related
Discover more from Jury Nguyen
Subscribe to get the latest posts sent to your email.