Chuyện “over” hợp
Yêu đúng người, mọi thứ, mọi chuyện sẽ diễn ra thật tự nhiên. Câu nói đó mình nghiệm ra đúng ở cách tôn trọng không gian riêng tư cá nhân. Ở phần trước, mình đã chia sẻ câu chuyên của chị Thuỳ Minh trong một tập Yêu lành với BinZ. Chị Thuỳ Minh lúc đó chia sẻ về việc thật khó để cho nửa kia biết về khoảng không của mình. Đại ý chị Thuỳ Minh là, có lúc tôi cần một mình dù chỉ một, hai phút thôi để nghĩ một điều gì đó, nhưng khi giây phút ấy qua rồi, tôi cần người kia xuất hiện; tôi cảm tưởng nếu người ấy không bước vào ngay, sự cô đơn sẽ ngay lập tức bủa vây tôi. Phải khẳng định lần nữa là tâm trạng này như để mô tả chính mình, đặc biệt trong những ngày rụng dâu. Vào lúc đó, phụ nữ sẽ cực kỳ nhạy cảm, muốn ở một mình nhưng cũng rất dễ rơi vào trạng thái cô đơn. Làm sao để đàn ông biết quan tâm kịp lúc, khi chính bản thân phụ nữ đôi khi còn không hiểu và kiểm soát được hormone chạy trong cơ thể mình?
Sự thực là có những cặp đôi “over hợp” sẽ kiểu như một cách tâm linh nào đó xuất hiện đúng thời điểm người kia cần. Nhưng phải khẳng định phần đông những cặp đôi còn lại, hoà hợp là thành quả có được sau cả quả trình: thử nghiệm, sai, thử tiếp, rút kinh nghiệm. Quan trọng nhất là cả hai người không ngại, lười, bỏ cuộc trước khi đạt đến cảnh giới “hoà hợp”.
Không sao, khó thì mình tìm cách. Nếu bạn giống mình là người hay học tập/làm việc theo phương pháp Pomodoro, nghĩa là tập trung làm việc 25 phút, nghỉ 5 phút hoặc 50 phút nghỉ 10 phút, thì đó sẽ là gợi ý tuyệt vời cho người bạn đời. Họ sẽ biết khi nào, không gian riêng tư của bạn mở để nạp thêm năng lượng.
Và chắc chắn, trong một mối quan hệ hoà hợp, phải có những chấp nhận, và hy sinh. Một cách tích cực, phát huy điểm mạnh của đối phương, sẽ đỡ mệt mỏi hơn là soi mói, hằn học những khuyết điểm. Bởi, thật khó để luôn luôn được “10 điểm không có nhưng” đúng không bạn? Còn gì tuyệt vời hơn là ngay sau khi bạn kết thúc công việc, người đó xuất hiện với những sự quan tâm. Bạn sẽ nghĩ: “ôi sao anh xuất hiện đúng lúc thế, đúng lúc em bắt đầu nhớ/cần anh rồi đây.” Và bạn cho rằng mình đã tìm đúng người rồi, thât là “over” hợp. Trong cuốn sách, “The Defining Decade: Why Your Twenties Matter – And How to Make the Most of Them Now”, tiến sĩ Meg Jay có đưa ra bài test the Big Five như một ví dụ để ta có thể tìm được những người yêu/bạn đời có những điểm chung về mặt tính cách. Theo bà, càng nhiều điểm chung càng gia tăng thời gian cặp đôi ở cạnh nhau với hạn chế tối đa những bất đồng.
Chuyện “lặp lại” cãi nhau
Đợt trước, mình và người yêu có “cạch mặt” trong một tuần. Cũng phải rất lâu rồi tụi mình mới có xích mích và không nói chuyện lâu như thế. Lần này, tụi mình không cãi nhau mà do mình giận một chuyện đùa bé tí. Mình có thể bỏ qua luôn, nhưng mình lại bảo: nếu anh không … em sẽ không nói chuyện với anh đến cuối tuần và tắt máy. Mình muốn thử xem, liệu sau bao lâu yêu nhau, anh ta có đổi khác không, hay vẫn có thể im lặng rất lâu sau mỗi lần xích mích, mặc cho mình cần một sự dỗ dành? Và sự thử thách của mình đã minh chứng là, người yêu mình vẫn vậy =))
Ví dụ trên là minh chứng của việc, những khác biệt dù nhỏ xíu trong tính cách, quan điểm sống của hai người yêu nhau sẽ dẫn tới những xích mích lặp đi lặp lại. Phép thử giúp mình thêm khẳng định chắc chắn hơn về việc thay đổi của một người để hoà hợp đối phương không chỉ cần thời gian, mà là rất khó, gần như không thể (một cách dài lâu). Mình không phủ định có những người sẵn sàng thay đổi mãi mãi một thói quen rất xấu nào đó vì người yêu, ví dụ chuyện bỏ thuốc lá, bỏ chơi game. Nhưng những tính cách định hình (mà có khi chính người đó cũng không nhận ra), rất khó để thay đổi. Vì thế, như những người có nhiều kinh nghiệm, mình tin rằng “chấp nhận” và tập trung vào điểm mạnh “over” hợp là những điều kiện tiên quyết cho một mối quan hệ bền vững. Kỳ vọng về sự thay đổi vừa mông lung và không thực tế.
Nếu có những nét tính cách của người đó, theo bạn là quan trọng ảnh hưởng tới mối quan hệ chung, mà bạn vẫn không thể chấp nhận, mình nhấn mạnh là hoàn toàn không thể nhé, thì bạn nên chấm dứt mối quan hệ này. Còn nếu bạn yêu quá, không muốn kết thúc chuyện tình tại đây, những khác biệt không phải yếu tố quyết định, thì hoàn toàn cả hai có thể cùng nhau thay đổi. hai phải cùng điều chỉnh bởi, việc “chấp nhận” và “hy sinh”, thực tế khá khó khăn đấy.
Người yêu mình, thực sự chưa bao giờ bắt mình thay đổi điều gì. Có mấy thứ nhỏ nhặt không thích ở mình, ví dụ chuyện rửa mặt hay làm ướt sàn, anh chỉ góp ý chứ cũng không bắt mình phải thay đổi đi, phải chấm dứt việc đó đi. Nhưng mình, sau đó, cũng để ý hơn, cải thiện bằng cách dùng tấm lót sàn hoặc có ý thức lau sàn sau khi sử dụng. Hay chuyện anh hay im lặng sau khi cãi nhau, theo mình, nó không phải yếu tố quyết định nhưng nếu không thay đổi thì thực sự mình rất khó chịu. Mình trước thì nóng tính, công việc đặc thù làm gì cũng phải nhanh nhanh, chuyện gì cũng muốn giải quyết luôn. Anh thì lại xử lý mọi thứ chậm (có thể cũng bị ảnh hưởng bởi lối sống chậm ở châu Âu), nếu không biết rõ lý do thì sẽ đặt chuyện cãi nhau với mình sang một bên, đi làm việc khác. Vì thế, anh sẽ không dùng thời gian để suy nghĩ về chuyện cãi nhau (tiêu cực) hoặc đôi khi có nghĩ cũng không ra, mà cả kể anh có biết rõ lý do, thì cũng để thời gian “chờ” cho mình hết giận, chứ tính cách anh không phải kiểu zai Hàn lãng mạn năn nỉ, ỉ ôi, làm hoà với người yêu.
Chính vì khác biệt mà không muốn làm nhau khó chịu nên cả hai phải tìm cách hoà hợp. Quan trọng là phải kiên nhẫn thử nghiệm như những chiếc bánh răng tìm điểm khớp và đừng kỳ vọng quá nhiều chuyện thay đổi. Cứ thử cho đến khi tìm ra cách nào phù hợp với cả hai. Như nhà mình bây giờ thống nhất có im lặng cũng không quá một – hai ngày. Bởi giao tiếp, luôn luôn là yếu tố quan trọng nhất của một mối quan hệ mà.
Related
Discover more from Jury Nguyen
Subscribe to get the latest posts sent to your email.
1 thought on “Yêu lành 2: “Over” hợp và “lặp lại” cãi nhau”