Vì sao mình chọn Bonn?
1. Mình đã bỏ lỡ Uni Bonn một lần.
Nếu bạn đã theo dõi mình từ ngày đầu và đọc bài viết về trải nghiệm “du học”, bạn sẽ biết, trước khi đến Prague, mình đã bỏ lỡ một vài cơ hội. Một trong số đó là khoá học Master dành cho những nhà báo, người làm truyền thông – International Media Studies (IMS), được tổ chức dưới sự phối hợp của hai trường đại học lớn: Uni Bonn và Bonn-Rhein-Sieg University of Applied Sciences, the German Academic Exchange Service (DAAD) and DW Akademie.
2. Trụ sở chính của DW tại Bonn.
DW là nơi mình mơ ước được thực tập, nếu có cơ hội được cộng tác và làm việc lâu dài thì … không còn gì bằng. Hệ sinh thái của DW khá rộng, không chỉ chú trọng chuyên môn (báo chí, truyền hình, radio) mà còn hướng tới đào tạo đội ngũ nhân lực cho tương lai. Sứ mệnh hàng đầu của DW là đưa DW Akademie trở thành là học viện hàng đầu châu Âu về phát triển truyền thông.
Thật may mắn, tháng 11 này mình sẽ có cơ hội được thực tập tại DW. Đúng là “cầu được ước thấy”.
3. Đi thật xa để … học tiếng Đức
Thật khó để học tiếng Đức tại một thủ đô “international” như Berlin. Vợ chồng mình là người Việt, chủ yếu giao tiếp hàng ngày bằng tiếng Việt. Đi ăn hay cần làm bất cứ việc gì, chồng mình sẽ chủ động giao tiếp. Chính vì thế, mình đã chọn đi thật xa (gần 600km cơ mà) để học và thực hành tiếng Đức hàng ngày.
Phải khi sang đến đây, mình mới thấy Bonn hoá ra cũng khá “international”. Thành phố nhỏ nhưng là nơi tập trung của hơn 5000 sinh viên từ 130 nước khác nhau. Nhưng, đa phần trình độ tiếng Đức các sinh viên tại đây đều khá tốt. Dù sao, sống một mình ở một thành phố mới, mình buộc phải chủ động làm mọi thứ … bằng tiếng Đức: từ những việc đơn giản như đi siêu thị đến những công việc đòi hỏi trình độ giao tiếp cao hơn như đặt lịch hẹn khám bác sĩ …
4. Danh tiếng của Uni Bonn
Uni Bonn là một trong những trường Đại học danh tiếng top đầu nước Đức về nghiên cứu. Từ thiết kế giao diện website thân thiện với “English-speaker” đến những hướng dẫn chi tiết đầy đủ cho sinh viên quốc tế, khiến mình có ấn tượng tốt ngay từ những ngày đầu tìm hiểu thông tin.
Ấn tượng đầu tiên về Bonn
Khi mình chia sẻ với một vài người bạn Đức về dự định chọn Bonn cho kỳ học trao đổi, đứa nào cũng nửa trách móc nửa than vãn: “Ủa, sao lại là Bonn? Thành phố ấy bé tí “boring” lắm.”
Có đứa vừa đấm xong xoa luôn: “Nhưng có thể mày sẽ thích đấy, vì cái “vibe” cổ kính khá giống Prague. Mà thấy chán quá thì lên Köln chơi.”
Cô bé người Việt mới quen thì chia sẻ: “Hết tháng này em chuyển đi, ở đây chán quá vì em không có bạn.”
Mình lúc ấy nghĩ trong đầu: á há, thử xem Bonn sẽ như thế nào nhé.
1. Vibe
Ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên, mình đã thấy thích ngay cái vibe của thành phố “cố đô” nhỏ này. Một sự pha trộn giữa cổ kính và hiện đại của Đông và Tây Âu. Đêm trước khi chuyển vào ký túc xá, mình ở một khách sạn cổ kính ngay quảng trường lớn trung tâm. Khách sạn có tuổi đời 400 năm.
Thành phố bé nên dạo vài bước chân là thăm thú được các địa điểm chính. Thậm chí đi xe đạp còn tiện lợi hơn là sử dụng phương tiện công cộng. Vì vậy trong những ngày tiếp theo, do chưa được kích hoạt vé phương tiện công cộng quốc gia (Deutschland Ticket), mình chủ yếu di chuyển bằng xe đạp. Mỗi ngày, với tài khoản sinh viên, mình được 30 phút miễn phí sử dụng xe đạp. Từ nhà đến địa điểm học tiếng khoảng 2 km, theo GG map thì đi bằng xe đạp mất 9-10 phút, nhưng di chuyển bằng các phương tiện còn lại phải lên tới 20-30 phút. Bây giờ mình mới cảm nhận rõ lợi ích của việc sống ở một thành phố bé, đi đâu cũng thấy gần.
Những ngày đầu mình cũng lạc đường, đạp hùng hục phải mất 30 phút mới tới trường, may vừa kịp giờ học. Có những hôm đi bộ khá xa theo định vị của app, nhưng, có khi tìm mãi không thấy xe đạp đâu, khi thì gặp chiếc xe hỏng, khó mà di chuyển. Thế nhưng điểm tích cực đó là, chỉ trong hơn 2 tuần mới đặt chân tới đây, mình đã khám phá nhiều ngóc ngách của thành phố. Chắc chắn là hơn hẳn thời gian đầu mình đặt chân tới Prague.
Những ngày này, khi đã quen với các cung đường hơn, mình cảm thấy may mắn biết bao vì “chưa có vé DB”. Mỗi sáng trên đường đi học, tai nghe không còn vang lên tiếng của cô “Google”, thay vào đó là tiếng gió cuối hè đầu thu lồng lộng và giọng ca của Callum J Wright:
“I come home, in the mornin’ light
My mother says “When you gonna live your life right?”
Oh momma dear, we’re not the fortunate ones
And girls, they wanna have fun
Oh girls just wanna have fun…”
2. Uni Bonn
Mình khá bất ngờ trước sự “hoành tráng” của Uni Bonn. Thành phố có diện tích gần 150km nhưng đi đâu cũng nhìn thấy những “đánh dấu” của 17 khoa cùng nhiều toà nhà chức năng thuộc Uni Bonn.
Trụ sở chính của Uni Bonn nằm ngay cạnh quảng trường trung tâm, đối diện một thảm cỏ xanh “Hofgarten” và bao quanh là hai hàng cây chỉ đợi mùa thu đến để đổi màu lá. Canteen sinh viên “Mensa” chính đang tu sửa, vì vậy được dựng tạm bên ngoài ngay trụ sở chính. Bên cạnh đó, rải khắp thành phố là nhiều Mensa, cafe-to-go, xe tải bán đồ ăn, nước uống với giá đặc biệt ưu đãi cho sinh viên. Bên cạnh ký túc xá (ktx) của mình là một Mensa khá to, nơi đồ ăn được đánh giá ngon cao hơn.
Phải đến khi chuyển sang Bonn, tiêu đồng tiền Euro (€) thay vì Konuna (Kč) của Séc, mình mới thấy quý giá từng phút giây vẫn còn được hưởng những bữa ăn trợ giá trong Mensa. Một bữa ăn tại đây trung bình từ 3-5€, cũng có thể hơn tuỳ thuộc vào mức tiêu thụ và món ăn bạn chọn. Có một khu để bạn tự phục vụ, ăn bao nhiêu thì phải trả tương ứng. Giá đó tương đương với một túi rau cải chip Pakchoi bán trong các siêu thị châu Á. Đồ ăn trong Mensa thì chất lượng tương đối, người khen người chê, nhưng với một đứa dễ ăn như mình, đồ ăn khá ổn. Điểm trừ là một số hỗn hợp rau củ trộn khá mặn.
3. Ký túc xá
Đối với một sinh viên, ký túc xá (ktx) là nơi có nhiều thứ “á” “ố” nhất. Dù đã “đặt gạch” từ tháng 3, nhưng phải nói mình khá may mắn khi được “ngụ tại” một ký túc xá vị trí trung tâm: nằm ngay cạnh Mensa, thư viện đằng sau nhà, và cách nhà ga trung tâm 1km. Có đứa nhỏ người Việt mới quen ở ktx còn hỏi thẳng mình: làm sao chị vô được đây?
2 năm ở Praha, mình đã quá quen với việc chia sẻ phòng với 01 người khác, chung các tiện ích còn lại trong đó có tủ lạnh size “khách sạn” trong một flat 4 người. Xét đi thì trường hợp của mình đã gọi là sung sướng. Mấy đứa em khác còn phải ở chung trong một không gian chắc tầm 10-12m và chung tiện ích khác với cỡ 10 người cùng tầng. Chồng mình lúc đó đã nói: ktx ở Đức, chẳng bao giờ có chuyện phải ở chung cả.
Đúng là như vậy! Khổ trước, sướng sau, bây giờ mình không có gì ngoài độc lập tự do. Ở đây mình có phòng riêng tầm 17-20m, rộng bằng phòng ở Séc. Trong phòng có một bồn rửa mặt với vô vàn gương. Tủ quần áo khá rộng cho một đứa sinh viên trao đổi 06 tháng. Không gian bếp khá rộng, gấp đôi phòng ở và có hai tủ lạnh to đùng. Cả flat có 06 người, tính ra 03 người chung nhau 01 nhà vệ sinh, nhà tắm. Một tuần ba lần có người dọn vệ sinh khu chung.
Thiết kế phòng ốc thực sự rất hợp với một đứa ambivert như mình: thoải mái một phòng riêng, thích giao lưu thì chỉ cần mở cửa chạy sang đối diện. Không gian bếp cũng là nơi chúng mình hay gặp gỡ và chia sẻ văn hoá. Mấy hôm trước vô tình lượn qua bếp, mình được cô bạn người Ấn mời ngay một ly chai latte. Các bạn Ấn đa phần ăn chay, nhưng cũng rất tôn trọng việc nấu ăn “đồ mặn” của mình.
4. Con người
Theo như mình mới quan sát, ở Bonn có khá đông sinh viên Ấn. Riêng flat của mình đã có 2 bạn. Dân tộc nào cũng có người A người Z. Để mình kể câu chuyện bị “racist” mấy hôm trước. Sau khi ở một tuần, mình mới xuống “thăm” khu giặt đồ. Ở đó có một cuốn sổ có ghi sẵn ngày, tháng để các phòng đăng ký giờ giặt. Mình nghĩ phòng đó cho riêng nhà mình thôi. Một nhà thì có 3-4 tầng, mỗi tầng khoảng 12 sinh viên. Ai dè, 3 cái máy giặt và 2 cái máy sấy đó cho cả khu này, gồm 8 nhà, như nhà mình, nghĩa là tầm hơn 300 “nhân khẩu”. Đang vừa bận shock xử lý thông tin và cọ rửa khay đựng nước giặt (như thường lệ nó rất bẩn), thì một cô nàng người Ấn tiến đến xem cuốn sổ, thái độ khó chịu hỏi mình: “Mày có biết mấy giờ rồi không?” Mình cũng thân thiện trả lời lại. Sau đó nó gắt gỏng: Có đứa đang dùng máy trong khoảng thời gian tao đã đăng ký. Lúc ấy mình mới tá hoả, người đó chính là mình.
Mình ngay lập tức xin lỗi rối rít. Máy cũng mới chạy được tầm 15 phút thôi và bên cạnh còn một máy đang trống. Nhưng vấn đề là bạn này lại muốn sử dụng 02 máy cùng một lúc để giặt đồ trắng và đồ màu. Với tâm lý khá ngại chuyển đồ ra vì chiếc máy đó mình vừa cọ rửa mất thời gian, mình có nói chuyện nhẹ nhàng tỏ ý rằng mình mới đến còn chưa hiểu rõ luật. Bạn nói bạn không quan tâm và không có thời gian. Bạn nhất định bắt mình phải dừng chiếc máy giặt và bạn nói thêm: Lần trước cũng có một con bé CHINESE tranh slot của tao. Bạn nói đến đây thì mình nổi khùng thật sự, mình bảo: Mày đang racist đấy. Tao không phải là người Trung Quốc. Mình bảo bạn, mình sẽ dừng chiếc máy lại, và bạn có thể dùng. Nhưng không, máy giặt nó khoá luôn, không thể dừng. Mình cũng mới đến nên không biết cách sử dụng máy. Thế là bạn gắt gỏng lèm bèm thêm gì đó. Kệ thôi, mình cũng chẳng làm được gì (nhưng bụng thì nở hoa nhé 🙂
Trừ trường hợp “đen” kể trên, những người mình có duyên gặp ở đây đều khá tốt bụng. Mình may mắn ngày đầu “nhập cư” được đón bởi bác Kluge khá nhiệt tình. Bác không quản lý khu mình ở, nhưng nhận đón mình thay cho người đang đi nghỉ phép. Bác đưa mình lên tận phòng và hướng dẫn mình qua các thủ tục bằng Tiếng Anh cơ bản. Hôm sau, mình gặp bác Schneider, là người trợ lý chính của cái bác đi nghỉ. Bác bảo hôm qua đi tìm mình mãi, sao không thấy mình đến.
Rồi sau khi check-in, mình thấy thiếu một cái “Rollenwagen”, chẳng biết là cái gì. Bác chỉ vào hai kiện hàng IKEA to bự: nó đây này. Mình kiểu ngơ ngác chưa hiểu gì thì bác cứ cười. Bác hỏi mình thế có tự tin lắp được cái tủ không? Mình gật. Thế là bác cho mượn mấy cái dụng cụ vặn ốc và cùng anh trợ lý khênh hai kiện hàng lên phòng cho mình. May mắn thế nào, bác thấy rác bừa ở hành lang chưa được vứt (hôm mới đến mình cũng hơi khiếp), bác gõ cửa các phòng kêu ra dọn. Không biết bác nói gì mà anh bạn cùng flat người Rwanda đã dành cả buổi chiều vứt rác và cọ rửa cái bếp. Sau đó anh chàng ái ngại xin lỗi vì để mình nhìn thấy nhà bếp ngổn ngang như vậy khi mới vừa đến. Ở một thời gian mình mới thấy anh chàng cũng ít khi xuất hiện ở ktx, chủ yếu “đóng đô” tại thư viện vừa học, vừa làm. Nghĩ lại cũng thấy biết ơn ghê, không ở mấy những vẫn chịu trách nhiệm dọn dẹp!
Ở khu ký túc xá này, mạng Internet cắm dây LAN là nhanh khoẻ. Còn nếu muốn có wifi phải mua cục phát Router và tự phát … trong phòng mình. Đang trong lúc chuẩn bị mua một cục “2-hand” qua ebay, một hôm mình đem dụng cụ xuống trả bác Schneider, thấy bác đang đứng cạnh một túi bao tải rất nhiều cục phát. Mình hỏi xem nếu bác bán, thì để mình mua lại. Bác bảo của sinh viên chuyển đi đấy. Xong bác gọi một cậu bạn có vẻ am hiểu về thiết bị, vào so sánh các cục phát và đưa cho mình cái tốt nhất. Sau đó, mình mới biết cục phát ấy là loại gần như mới nhất trên thị trường. Từ hôm đó, mình gọi bác là “Engel”. Bác cười khà khà.
Bài viết đã dài, sẽ còn nhiều nhiều chuyện để kể về Bonn nữa. Mình sẽ để dành trong các bài viết tiếp theo. Chỉ từ những ấn tượng đầu tiên, mình đã muốn sống ở thành phố này: hiện đại nhưng bình yên lắm.
Related
Discover more from Jury Nguyen
Subscribe to get the latest posts sent to your email.
Hay quá, đọc xong câu chuyện như lạc vào câu chuyện của Harry Porter
Chúc hành trình mới của bà gặp nhiều may mắn nhé
Haha ly kỳ đến thế cơ á? Cảm ơn bà đã dành thời gian đọc blog nhá 😀
Tôi tự cảm thấy may mắn bà ạ. Đi đâu cũng được gặp người tốt với mình ^^
Ơ, thế là phải lòng Bonn à, thế thì Berlin tủi thân lắm đó🤭
Phải lòng Prag đầu tiên rồi đến Bonn 😉 Chứ còn Berlin thì …
Thế thì chọn Bonn thôi em, giống chị cũng không thích sống ở Berlin, mặc dù Berlin là “mối tình đầu” của chị 🙂
Chị đã tìm được “mối tình cuối” chưa? Em thấy Bonn là sự lựa chọn hoàn hảo cho một gia đình nhỏ đó 😀
Những dòng tâm sự rất hút và tránh lãng phí thời gian ngồi trên xe di chuyển đi công tác 🥰 Nhưng cũng nhiều thông tin mới đó nhé, chúc nhỏ em luôn bình an và thuận lợi trên mọi hành trình 🍀🍀🍀🍀 Yêu thương 💚
Cảm ơn anh zai 🥹
Để em chăm viết cho anh có cái đọc trên đường công tác nhá. Mong anh mình bình an trên mọi chuyến đi 😇