Trước khi đi du học, mình có nhiều định kiến về người trẻ phương Tây (châu Âu và Mỹ) được tích luỹ từ sách, báo, truyền thông, những câu chuyện truyền miệng. Một trong số quan điểm liên quan đến mối quan hệ của người trẻ với gia đình, kiểu như là:
“Tụi Tây nó chẳng tình cảm như người Việt mình đâu.”
“18 tuổi là tự lập dọn ra ngoài, sống cuộc sống của bản thân, chẳng thân thiết với gia đình.”
“Bên ấy, bố mẹ về già thì vào trại dưỡng lão ở chứ tụi nó không chăm sóc.”
Đến khi qua Séc, mình thấy quan điểm hoàn toàn sai lầm và mang tính quy chụp. Không phải người trẻ, “bọn Tây” nào cũng như vậy. Ít nhất là tại CH Séc. Bài viết sẽ chia sẻ những quan sát cá nhân của mình trong chuyến ghé thăm 02 gia đình bản địa.
Mình cảm thấy rất biết ơn vì trong thời gian du học ở Séc tuy không dài những mình đã có tới vài dịp được về thăm và ngủ lại các gia đình bản địa, từ đó quan sát cuộc sống hàng ngày của họ. Mọi thứ với mình đều mới mẻ nên mình hỏi rất nhiều, “vỡ ra” nhiều thứ sau mỗi chuyến thăm.
Những người bạn “cha mẹ”
Đầu năm 2023, mình có dịp về thăm nhà cô bạn “buddy” lần đầu, tại một ngôi làng nhỏ gần Olomouc. Gọi là “buddy” vì chúng mình “match” qua chương trình buddy của trường nhằm mục đích kết nối sinh viên quốc tế và bản địa. Trong thời gian ở lại nhà A, điều mà mình ngạc nhiên nhất có lẽ là sự cởi mở chia sẻ của chị em A với bố mẹ. Họ có coffee-time hàng ngày tầm 3-4h chiều giữa các thành viên gia đình, dịp mà mọi người có thời gian quan tâm hỏi han nhau, ví dụ A hỏi mẹ: Ngày hôm nay của mẹ như thế nào? Mai mẹ có phải đi làm sớm không? Dĩ nhiên A chỉ tham gia được khi cô về thăm nhà mỗi cuối tuần. Điều mình ấn tượng hơn cả là việc em trai A (lúc đó học lớp 11 chuẩn bị lên Đại học) cũng tham gia buổi coffee-time. Trong suy nghĩ của mình, một tên con trai độ tuổi mới lớn còn nhiều mối bận tâm khác như bài vở, trường lớp, games, tụi con gái, …
Qua đến nhà của M, mình càng khẳng định thêm về mối quan hệ thân thiết như những người bạn giữa cha mẹ và con cái “phương Tây”. Khác với A, bố mẹ của M không sống cùng nhau. Mỗi khi trở về nhà vào cuối tuần, cô bạn dành thời gian kể vô vàn câu chuyện khác nhau cho các thành viên: bà, mẹ, dì, các em họ. Tuy mình ít khi hiểu được các cuộc hội thoại bằng tiếng Séc, nhưng khi quan sát các thành viên, mình thấy họ chú ý lắng nghe, hài hước phản ứng hoặc phá lên cười đùa. Đặc biệt, M chia sẻ với mình, khi còn bé (trước 18 tuổi), cha mẹ cô thực hiện đúng vai trò như … những ông bố bà mẹ khác. Nghĩa là họ cũng quản lý con mình với những quy định, giờ giới nghiêm, … Nhưng khi M và em trai đã lớn, họ trở thành những người bạn. Thay vì quản lý, họ chủ yếu lắng nghe và có thể/không bày tỏ ý kiến. M kể cho mình về lần đầu tiên “ngủ lại” nhà bạn trai. Khi đó mẹ cô gọi điện để hỏi xem khi nào M về nhà, M đắn đo vì lúc đó cũng khá muộn. Mẹ cô mới chia sẻ thêm rằng, nếu M muốn ở lại đó thì cũng ok. Dẫu biết rằng với cách giáo dục hoàn toàn khác, cha mẹ Việt có thể sẽ không cởi mở như vậy. Nhưng điều mình muốn nhấn mạnh là, việc cha mẹ trở thành những người bạn, không hơn không kém, thực ra là cách khuyến khích con cái chia sẻ nhiều hơn. Mình có thể cảm nhận được sự tin tưởng tuyệt đối một cách tự nhiên của M khi cô thoải mái tám chuyện với mẹ và các thành viên trong gia đình, vì cô hoàn toàn không sợ bất kỳ ai đánh giá, góp ý, cấm cản làm điều gì.
Chăm phụ việc nhà
Cả hai cô bạn của mình đều rất chăm chỉ phụ giúp cha mẹ công việc nhà. Có thể mình may mắn gặp được những người bạn ngoan và hiếu thảo. A thích nấu ăn và vì thế đảm nhiệm nấu nướng khi cô ở nhà. Còn M thay vì ngủ nướng như ở ký túc xá, cô thích dậy sớm dành thời gian ăn sáng với mẹ và bà. Bà của M và A cùng sống với gia đình họ. Cả hai người em của A và M cũng đều sẵn lòng giúp đỡ việc nhà khi cần. Mình nhớ lúc ghé thăm nhà A, khi đó ngoài trời còn những lớp tuyết mỏng, em trai A cùng bố thu lượm những cây gỗ dài để cho vào lò sưởi. Còn em trai M thì sẵn lòng giúp đỡ tụi mình chuẩn bị những nguyên liệu để làm món “spring rolls”, món cuốn nguội của Việt Nam.
Thú cưng - tình cảm và trách nhiệm
Hẳn nhiên, thú cưng luôn được coi như một thành viên trong gia đình tại đây. Mình nhớ có bữa A chia sẻ rằng thời gian này cô không ở Prague nhiều, vì bạn chó bị ốm. Những thành viên đã thay phiên nhau chăm sóc trong những ngày đầu tuần, vì vậy khi không có tiết học, cô phải về để giúp đỡ họ. Nhà M thì có đủ loại động vật khác nhau từ thỏ, thằn lằn, chuột bạch đến 03 chú mèo và 02 chú chó. Ở trong nhà tối ngày động vật vây quanh cả khi ăn lẫn khi ngủ. Đêm đến, chú chó Sporty còn ngáy nữa cơ. Đó là trải nghiệm mình chưa có trong đời bởi gia đình mình ở Việt Nam thường không cho phép chó mèo ở trong nhà.
Nhiều định kiến về người trẻ phương Tây trong mình đã bị … đập tan 🙂
Mình rất vui vì càng đi, đầu óc mình càng cởi mở và tiếp nhận nhiều thứ “lần đầu” trong đời hơn. Có lẽ vì thế mà mình cũng sẽ bớt đi những tư tưởng bảo thủ, khó tính.
Related
Discover more from Jury Nguyen
Subscribe to get the latest posts sent to your email.