Về mình
Tiểu sử: dễ ngủ, siêu dễ ngủ. Một câu chuyện hồi bé được mẹ mình nhắc đi nhắc lại rằng: mình trộm vía rất dễ ăn, dễ ngủ. Ông ngoại chỉ lắc lắc cái chân là mình ngủ ngay.
Sau này đi học, đi làm, cả kể trong những ngày tháng stress nhất, mình chưa bao giờ, chưa bao giờ lâm vào tình thế “mất ngủ”. Có đâu chỉ là vài chục phút trằn trọc trước khi vào giấc rất nhanh và sâu. Khi mình làm phóng viên, thậm chí mình còn không có đủ thời gian để ngủ, lúc nào cũng trong tình trạng thiếu ngủ.
Lần đầu có triệu chứng mất ngủ: trong đợi cao điểm ôn thi IELTS cuối năm 2021. Mình thường xuyên lên giường và mất 1-2h chưa vào được giấc ngủ.
Dấu hiệu thường xuyên mất ngủ trở lại: Cuối 2023 – 2024.
Từ mình: nguyên nhân và giải pháp
Lần đầu bị mất ngủ, mình nghĩ nguyên nhân là do rối loạn âu lo. Ý tưởng này đến khi mình tình cờ đọc blog và sau đó xem Youtube video của chị Chi Nguyễn. Trong video, chị mô tả chính xác trạng thái mà mình đang gặp phải. Mình học theo cách chị đối mặt và gác lại những âu lo.
Sau này, các nguyên do mà mình nghĩ tới để lý giải cho tình trạng mất ngủ của mình:
- Dùng một lượng lớn cafe, trà, hoặc các loại đồ uống ảnh hưởng tới giấc ngủ trong ngày.
- Giờ ngủ không cố định: thí dụ nếu mình thường xuyên ngủ 1,2h, sẽ rất khó để ngay lập tức chuyển sang ngủ sớm hơn vào 10,11h. Cơ thể cần thời gian thích nghi.
⇒ Giải pháp: Cố gắng ngủ trước 12h
- “Non-stop thinking” radio: Cụm từ này lần đầu mình biết tới là từ cuốn sách Tĩnh lặng của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Với bộ óc over-thinking, lúc nào trong đầu mình cũng có cái radio này, và nó không chịu tắt cả khi mình muốn đi ngủ. Những suy nghĩ theo mình quan sát được, không xuất phát từ những âu lo như đợt đầu mình bị mất ngủ cuối năm 2021. Mình vào thời điểm khi đã đi du học, không có bất cứ âu lo nào thường trực, có lẽ vì thế mà trường hợp mất ngủ của mình sau này, khác với chị Chi Nguyễn. Radio trong đầu mình chỉ nảy ra những suy nghĩ linh tinh không đầu, không cuối như là “sáng mai mình sẽ ăn gì nhỉ?”, đôi khi là những ý tưởng. Chúng cũng không phản ánh bất cứ hoạt động, sự kiện nào mình gặp trong ngày. Suy nghĩ bật ra trong não bộ giống như việc bạn bật một danh sách nghe nhạc ở chế độ “trộn” (shuffle): bạn không dự tính trước, chúng đến hoàn toàn bất ngờ.
Mình nghĩ mình “thừa hưởng” nét tính cách này từ mẹ, từ bà. Mẹ mình cũng đã có những dấu hiệu mất ngủ nhiều năm nay. Còn bà mình mặc dù không đi ngủ quá sớm, nhưng giấc ngủ ngắn, đến 3 am là tự tỉnh giấc. “Quan sát” những thế hệ đi trước cho mình động lực để thay đổi, để có một giấc ngủ ngon hơn.
⇒ Giải pháp: Đếm cừu; thực hành thiền; nghe nhạc, podcasts, dùng trà thư giãn trước khi đi ngủ. Các giải pháp này có tác dụng trong một khoảng thời gian ngắn nhất định.
Ám ảnh nỗi sợ mất ngủ
Nhưng mình vẫn tiếp tục mất ngủ. Bình thường thì 01 tiếng, những hôm bị tác động bởi các yếu tố xung quanh (tiếng động, ánh sáng ) thì có thể lên tới 02 – 03 tiếng đồng hồ. Đỉnh điểm có một lần mình dùng trà thư giãn, những kết quả nhận được còn … tệ hơn. Bên cạnh việc mất ngủ, đầu mình còn quay mòng mòng như hình xoáy trôn ốc trong một khoảng thời gian dài. Tiếng Anh có từ “dizzy” mô tả rất chuẩn trạng thái lúc đó của mình. Nhớ lại lúc đó, mình rất sợ hãi, bật dậy, chỉ biết ôm đầu và thầm rất thương bạn não. Mình sợ rằng không biết có phải mình bị bệnh lý gì hay không. Mình thương bạn não vì thực sự mình rất muốn và tìm mọi cách để bạn ấy được nghỉ ngơi. Nhưng vẫn không thành công. Mình cứ nhủ thầm: não ơi, nghỉ ngơi đi nào, nghỉ ngơi đi nào. Khoảng thời gian đó, hàng ngày gần tới giờ đi ngủ, mình hình thành suy nghĩ ám ảnh rằng: không biết hôm nay mình có ngủ được không. Liệu đếm đến con cừu thứ bao nhiêu thì mình mới ngủ được? Và nếu sáng hôm sau tỉnh dậy, mình không nhớ được mình đã thiếp ngủ đi từ lúc nào, thì hôm đó mình vui cả ngày. Nhưng những ngày đó thực sự rất ít.
Đó là lúc mình nhận ra. Mình không thể tự tìm kiếm giải pháp nữa. Đã đến lúc, mình cần phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. May mắn, mình đã liên lạc kết nối được với một bạn bác sĩ tâm lý. Tại Charles University, nơi mình đang học, mỗi bạn sinh viên có “quyền lợi” được 5 buổi miễn phí nói chuyện với một chuyên gia tâm lý. Tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính tại Séc, nên những chuyên gia có thể tư vấn bằng tiếng Anh không nhiều. Vì vậy, mình rất trân trọng cơ hội mình đã có.
Trong phần tiếp theo mình sẽ chia sẻ thêm các thông tin quan trọng: nguyên nhân mất ngủ theo phân tích của chuyên gia và những lời khuyên giúp mình vượt qua nỗi sợ “mất ngủ”.
(to be continued)
Related
Discover more from Jury Nguyen
Subscribe to get the latest posts sent to your email.
1 thought on “Đối mặt với vấn đề mất ngủ kéo dài (phần I)”