Phần 2: Hiện thực hóa ước mơ
Bước 1: Xác định mục tiêu
1. Xác định vùng địa lý
Điều đầu tiên bạn cần xác định, chính là vùng địa lý mà mình muốn đi. Bạn muốn học ở châu Âu, Mỹ, Canada, hay châu Úc? Chỉ cần dành thời gian cho vài cú click chuột, bạn đã có thể tìm kiếm những ưu/nhược điểm của từng vùng địa lý, và xác định nơi nào trái tim của bạn thuộc về. Thật ra, bạn có thể “apply” nhiều vùng địa lý, nhưng theo mình, bạn chỉ nên chọn 01 thôi. Vì trong từng vùng, bạn cũng đã tha hồ ngụp lặn trong “biển” trường và khoá học rồi. Mỗi vùng, mỗi châu lục sẽ có những yêu cầu chung, từ đó dễ dàng hơn cho bạn trong việc chuẩn bị hồ sơ.
2. Lập bảng chiếc lược
- Trạng thái (Đang chuẩn bị, đã nộp, đợi kết quả, được nhận … như ảnh minh họa kế bên)
- Tên chương trình/khoá học
- Tên trường
- Yêu cầu
- Deadline
- Ghi chú thêm
Theo mình, đây là bước TIÊN QUYẾT. Qua đó, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan và đưa ra những chiến lược phù hợp. Về số lượng, mình dồn trọng tâm cho 04 chương trình, còn lại mình nộp thêm một số nơi mà hồ sơ không phải chuẩn bị quá nhiều.
Mục yêu cầu và deadline cần chú ý và mang tính quyết định chiến lược săn học bổng/đi du học của bạn. Mỗi trường sẽ có những yêu cầu khác nhau về hồ sơ và hạn nộp. Việc nắm rõ deadline sẽ giúp bạn lên kế hoạch thứ tự ưu tiên. Ví dụ, học bổng châu Âu Erasmus Mundus Journalism (EMJ) có hạn nộp vào đầu tháng 01, còn học bổng chính phủ Thuỵ Điển SISGP hạn cuối tháng 02, nếu mình định “săn” cả hai học bổng này, rõ ràng mình phải ưu tiên chuẩn bị hồ sơ của EMJ trước.
3. Xác định thứ tự ưu tiên và lên kế hoạch chuẩn bị tài liệu
Trong một hồ sơ nhập học/xin học bổng có tối thiểu 7 đến 10 loại tài liệu cần chuẩn bị. Học bổng càng danh giá và tỉ lệ chọi cao, bạn cần phải dành nhiều thời gian tâm huyết chuẩn bị. Về cơ bản, hồ sơ bao gồm:
- Tài liệu chủ – động: Những văn bản có thể tự chuẩn bị bất cứ lúc nào: scan những giấy tờ cá nhân, bảng điểm, bằng chứng nhận, CV, bài luận cá nhân.
- Tài liệu bị – động: Những văn bản bạn cần nhờ người khác viết/ký tên, đóng dấu: giấy chứng nhận khả năng ngôn ngữ IELTS/SAT, thư giới thiệu hay giấy quy đổi điểm số (giải thích hệ số tính điểm ở trường Đại học của bạn).
Thứ tự ưu tiên chuẩn bị của mình lúc đó là:
IELTS => Tài liệu bị – động => Tài liệu chủ – động
Như đã nói ở phần trước, tiếng Anh là kỹ năng bản thân mình còn tự ti. Theo dự định ban đầu, mình sẽ sang Philippines để tập trung học tiếng Anh, nhưng vì đại dịch Covid-19, mình buộc phải thay đổi kế hoạch. Sau khi xác định được yêu cầu, hạn nộp các trường mục tiêu, mình đã khoá các tài khoản mạng xã hội và dành 04 tháng tập trung tối đa (ngày trung bình 8-10 tiếng) ôn luyện tiếng Anh để thi IELTS. Chị Chi Nguyễn, the Present Writer có từng chia sẻ, quyết tâm đó của mình có thể gọi là MASSIVE ACTION. Có bạn lúc đó khuyên mình, hãy tập trung vào bài luận cá nhân ấy, chứ Tiếng Anh thì chỉ cần đạt mức yêu cầu (thường là 6.5/7.0 với IELTS). Nhưng thực sự, khi bạn có trình độ tiếng Anh tương đối tốt rồi, sẽ không bao giờ có thể hiểu được sự thiếu tự ti của những người ở mức lưng chừng. Mình sẽ chia sẻ chi tiết thêm ở Chuyện học Tiếng Anh. Túm lại, bạn phải là người nắm rõ nhất, quỹ thời gian của mình sẽ được phân bổ như thế nào. Bạn cần dành nhiều thời gian cho bài luận hay ôn luyện tiếng Anh. Lời khuyên của những người xung quanh chỉ mang tính chất tham khảo.
Bước 2: Nghỉ việc
Để thực hiện MASSIVE ACTION, mình đã nghỉ việc. Như đã chia sẻ ở phần trước, đây là quyết định mình thấy phù hợp với bản thân.
- Cho những ai xác định nghỉ việc để “săn” học bổng, những điều cần chuẩn bị là:
- Yếu tố đầu tiên chính là tài chính. Nhưng bao nhiêu là đủ? Với mình, khi nghỉ việc tại VTV, mình xác định số tiền mình có cần đủ để nuôi mình đi học nếu chẳng may, mình không có được học bổng nào (và thực tế điều đó đã xảy ra). Bạn có thể áng chừng về số tiền đó tương ứng với vùng địa lý bạn hướng tới. Ngoài chi phí ăn, ở, sinh hoạt phí, nhớ cộng thêm khoản nhỏ để thỉnh thoảng đi dã ngoại, giao lưu với bè bạn quốc tế nhé!
- Đảm bảo đã xin đầy đủ các giấy tờ liên quan đến hồ sơ học bổng: thư giới thiệu, giấy chứng mình nơi làm việc …
- Giữ lại những tấm thẻ “quyền lực” liên quan đến nghề nghiệp. “Ngành” của mình có tấm thẻ nhà báo khá “lợi hại”. Mình cũng rất tiếc vì đã trả lại VTV tấm thẻ này, theo đúng quy định. Nếu giữ lại làm kỷ niệm thì thực sự đáng quý. Đặc biệt là nếu bạn là một người nghiền đi bảo tàng :)) Mình đi học ở châu Âu khi đã 30 rồi, nên thường sẽ không nhận được những ưu đãi cho sinh viên (thường chỉ dành cho sinh viên dưới 26 tuổi). Nhưng nếu có thẻ nhà báo quốc tế, bạn sẽ được miễn phí vé vào cửa nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng như bảo tàng Louvre (Paris, Pháp).
Bước 3: Nộp hồ sơ và chờ đợi kết quả
Đối mặt với thất bại: kết quả IELTS của mình không đạt được như kỳ vọng. Mình thiếu 0.5 điểm để đạt yêu cầu của một số học bổng/chương trình.
Vậy nếu bạn cũng như mình, đây là lúc bạn phải lựa chọn:
- Nếu dư dả tài chính, bạn có thể đăng ký thi lại luôn.
- Nếu chưa cần đi du học ngay, bạn có thể tiếp tục ôn luyện và thi lại sau đó.
- Nếu muốn đi ngay, bạn phải tìm cách. Đó là trường hợp của mình.
Mình lựa chọn không tiếp tục “cày cuốc” để nâng cao điểm số IELTS. Mục tiêu của mình là đi du học, chứ không phải cố để đạt được điểm số IELTS cao. Vậy nên, sau thất bại với điểm IELTS, vì đã tự chuẩn bị tâm lý trước đó, mình ngay lập tức tập trung 200% chuẩn bị hồ sơ cho những chương trình phù hợp, và cả không phù hợp (cái này người ta gọi là đánh liều).
Kết quả đánh liều của mình:
- Mình trúng tuyển nhiều chương trình: EMJ (chọn 90/500 hồ sơ, mặc dù mình không đáp ứng đủ điểm IELTS); Lund University (Sweden) và MARS (Media & Area Studies), chương trình mình đang theo học hiện tại, tại Charles University, CH Séc.
- Mình bị rớt tại một số chương trình lọc hồ sơ qua trang web, một cách rất éo le. Ở hình thức lọc này, nếu bạn không có đủ/không đạt tiêu chuẩn tất cả giấy tờ yêu cầu, hệ thống sẽ tự loại hồ sơ, và nó mãi mãi không đến được ngôi trường mơ ước của bạn. Vì vậy, hãy cẩn thận nhé. Hồ sơ của mình bị rớt tại một trường ở Đức vì mình không chuẩn bị kịp “giấy quy đổi điểm số”.
Một vài lưu ý:
- Đừng quên hàng ngày truy cập trang web nộp hồ sơ, bất cứ lúc nào hệ thống cũng có thể yêu cầu bạn bổ sung giấy tờ.
- Quá trình chờ đợi kết quả thường kéo dài vài tháng. Để tối ưu hoá khoảng thời gian này, bạn nên chủ động tìm hiểu thông tin về quá trình nhập học tại những trường bạn tự tin. Thông tin hướng dẫn về thủ tục visa, đăng ký chỗ ở thường được đăng tải rất chi tiết trên các website của trường. Mình quyết định học ở Séc cũng khá gấp. Sau đó, mình cũng rất chủ quan trong việc chuẩn bị giấy tờ làm visa, không nghĩ rằng quy trình làm visa du học lại phức tạp và kéo dài như vậy, dẫn tới việc mình nhập học muộn 01 tuần (so với nhiều bạn bị chậm visa cả tháng/học kỳ thì thực ra mình vẫn khá may mắn).
Trước đây, mình có một suy nghĩ sai lầm rằng, đi du học mà không có học bổng là một thất bại. Nhưng khi bắt đầu “săn” học bổng, mình được khai sáng mặt trái của nhiều học bổng danh tiếng. Bạn có thể được nhận học bổng đấy, nhưng chưa chắc bạn đã được học, được lĩnh hội được những thứ mình cần, trong một môi trường mà bạn từng mơ. Vậy bạn lại phải tự hỏi mình, mục đích bạn đi du học để làm gì? Nếu để trải nghiệm cuộc sống nước ngoài, học bổng sẽ giúp ích rất nhiều. Nhưng nếu bạn muốn đi học để lấy tri thức, bạn phải quan tâm và đặc biệt tìm hiểu thật kỹ chương trình học, những hoạt động ngoại khoá bên lề trường tổ chức. Kinh nghiệm của mình:
“Hãy chọn học một ngôi trường danh tiếng tại một đất nước nhỏ, còn hơn là một nơi không tên tuổi ở một nước lớn.”
Mình, một sinh viên 30 tuổi, học cùng những sinh viên 20 tuổi, và cả 40 tuổi, đã cảm thấy sung sướng như thế nào khi được tiếp xúc với những tri thức mới mẻ. Đặc biệt là về “International Relation”, về “Political Geography”, kiến thức mà trước đây mình luôn tự ti chẳng biết gì. Đi đi để thấy thế gian này rộng lớn lắm, còn tri thức của ta thì nhỏ bé biết nhường nào.
P.s: Flex chút chút là sinh viên 30 tuổi này năm học đầu tiên (2022/2023) đã dành cú đúp học bổng lên tới gần 70tr! Một nỗ lực cũng đáng tự hào đó. Vì mình tin chắc, không dễ gì có được học bổng trong quá trình bạn đang theo học ở nước ngoài đâu.
Related
Discover more from Jury Nguyen
Subscribe to get the latest posts sent to your email.
Chúc mừng chị ạ. Chị bản lĩnh quá, hy vọng trong 1-2 năm tới em cũng sẽ sẵn sàng để bắt đầu ở một đất nước mới như chị.
Cảm ơn em 😀
Sao lại phải chờ đến 1-2 năm nữa cơ? Cần chị tư vấn gì cứ gửi email liên lạc nhé.
Chị rất vui vì em là người đầu tiên để lại comment trên blog đó!