“Kim Ji Joung: Born 1982”
kể về cuộc đời của bà mẹ trẻ tên Ji Joung. Giống như nhiều cô gái trẻ khác, sau nhiều năm học hành chăm chỉ, cô có công việc ổn định và kết hôn. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi cô có em bé. Việc ở nhà toàn thời gian chăm em bé với những áp lực vô hình đã khiến cô rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh lúc nào không hay. Đôi lúc cô bắt đầu nói chuyện giống mẹ, giống bà ngoại mình. Chứng bệnh của Ji Joung không tự nhiên mà có. Nó có thể xuất phát từ những vết thương lâu ngày, ảnh hưởng bởi những người thân cận (bố, mẹ chồng) có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Bên cạnh tư tưởng “trọng nam” đó, xã hội Hàn Quốc trong phim được khắc họa xấu xí hơn bởi thói tọc mạch, ngồi lê đôi mách chuyện đời tư của người khác. Trong xã hội ấy, người nào yếu đuối, cả nghĩ sẽ bị kẹt lại ở phía sau, mãi không thoát ra được. Việc “biến thành” mẹ, bà ngoại của Ji Joung cũng thể hiện lòng trắc ẩn của cô với thế hệ đi trước, không biết từ lúc nào, cô biến thành họ, hy sinh hết mực cho chồng, con.
Mình từng nghe thầy Minh Niệm chia sẻ, đại ý là, khổ đau từ những kiếp trước nếu không được chữa lành, sẽ còn truyền mãi cho các thế hệ con cháu sau này. Từ bà ngoại Ji Joung và còn có thể từ thời trước nữa (Joseon), những kiếp nạn cứ chuyển tiếp và rồi tới Ji Joung thì hoá thành tâm bệnh. Thế mới nói, các bạn nữ ạ, có thể bạn chưa biết, chúng ta giống mẹ, giống bà chúng ta đến không ngờ. Có thể khi bé bạn từng không thích cách giáo dục của gia đình, bạn phản kháng và tự nhủ: sau này mình sẽ dạy con theo một cách khác. Nhưng, mình tin chắc, khi đã là mẹ, đâu đó trong những lát cắt của cuộc sống, bạn sẽ thấy mình hành xử giống cái cách mẹ mình đã từng nói, từng dạy mình.
(Bạn đang thầm mỉm cười và tự ngẫm đúng không?)
Trở lại chuyện có con. Trước, mình có nghi nghi rằng, một người over-thinking và mít ướt (thừa hưởng từ bà và mẹ) như mình, rất dễ trầm cảm sau sinh. Sau khi xem Ji Joung, mình đã rất xúc động và chợt nhớ lại chuyện: mẹ mình đã từng bị trầm cảm nặng sau sinh. Mẹ mình có con, anh trai và mình từ hồi còn rất trẻ. Nhà mình khi đó không khá giả, mẹ mình vừa nuôi con mọn, vừa phải đi làm rất vất vả. Mình vẫn nhớ những ký ức tuổi thơ vụn vặt không mấy vui vẻ, triền miên ngày tháng trong trạng thái căng thẳng bởi những cãi vã, khóc lóc. Vào thời của mẹ chúng mình, hẳn chẳng ai nghĩ đến việc điều trị bác sĩ tâm lý. Mẹ mình có dùng thuốc, và sau khi chúng mình lớn lên, bệnh của mẹ cũng đỡ hơn. Trước đây mẹ mình hay đùa, bằng tuổi mình, mẹ đã có hai mụn con rồi đấy và giục chuyện lập gia đình. Có thể với các bà, các mẹ, khi người ta đã trải qua cái khổ rồi, người ta dễ quên lãng và cũng chẳng còn nghĩ về cái khổ đó, để mà khuyên nhủ con cháu. Nghĩa là dù mẹ mình đã trải qua lứa tuổi 20s trầm cảm với hai mụn con nheo nhóc, mẹ cũng có thể không nghĩ tới việc khuyên mình đừng nên có con quá sớm. Bởi, phụ nữ, ai chẳng trải qua chuyện đó. Sau này, mẹ đã vượt qua được, mình cũng sẽ làm được thôi. Nhưng, nếu sự ra đời của một đứa trẻ mang đến những suy nhược cả về tinh thần và thể xác cho người mẹ, dù cho là tạm thời hay kéo dài, thì đó có phải là một sự quyết định sáng suốt, vào thời điểm đó? Đó có được coi là hạnh phúc?
Có vô vàn lý do cho sự ra đời của một đứa trẻ. Lý do “lãng mạn” nhất là từ tình yêu của ông bà thân sinh. Lý do tiêu cực có thể liệt kê chẳng hạn từ những “tình huống” không mong muốn, từ ý muốn tác động của người khác (gia đình, họ hàng), từ những suy tính liên quan đến tiền bạc, vị thế, hay từ mong muốn có người chăm sóc khi về già. Trước đây, khi là phóng viên phụ trách chương trình Cặp lá yêu thương (VTV24), mình đã gặp không ít những em nhỏ là kết quả của những lý do tiêu cực trên. Mình có duyên gặp rất nhiều em gái nhỏ rất xinh, ngoan và học giỏi nhưng sinh ra mà không biết cha/ba mình là ai, một tay chăm sóc những người mẹ mang những căn bệnh hiểm nghèo. Người thì “bị hại”, người thì chủ động “xin” một đứa con cho có người bầu bạn, chăm sóc mình. Số phận của những đứa trẻ ấy, sao mà đáng thương quá?
Rất nhiều người bạn của mình, chọn lựa không “sản xuất” em bé với lý do Trái Đất này đã quá chật chội rồi. Ai cũng có sự lựa chọn của riêng mình. Quan trọng là lựa chọn đó nên có trách nhiệm với bản thân bạn và cả đứa con không có quyền quyết định. Bởi một khi đứa bé đã ra đời, không có cách nào nhét lại vô bụng bạn. Bạn sẽ phải có trách nhiệm với thiên thần bé nhỏ ấy, suốt cuộc đời (hoặc ít nhất đến khi con tròn 18 tuổi).
Khi nhắc về cụm từ “trầm cảm sau sinh”, mình vẫn còn hơi e sợ. Nhưng mình tin, mình ở lứa tuổi 30s với nhiều hơn những tri thức, sẽ đưa ra các quyết định chắc chắn chín chắn hơn ở lứa tuổi 20s.
Cảm ơn mình, vì đã không làm mẹ ở tuổi 20s.
Related
Discover more from Jury Nguyen
Subscribe to get the latest posts sent to your email.