Mình sẽ bắt đầu với FOMO (Fear of Missing Out)
Cảm hứng để viết ra những dòng này đến từ tập podcast của chị Giang ơi về FOMO. Đây là “căn bệnh” mình chắc chắn nó sẽ không bỏ sót bất kỳ một ai. Đây là một chủ đề khá rộng và có thể viết dài viết hoài sẽ không hết, nên mình sẽ chia ra làm hai phần.
Nhưng trong bài viết này, mình sẽ chỉ tập trung vào hai biểu hiện FOMO:
So sánh & Phán xét.
Nào hãy cùng mình lội ngược quá khứ nhé.
1. So sánh
Từ bé, mình đã là đối tượng của so sánh, chủ yếu là từ mẹ mình: so sánh với anh trai mình, hàng xóm, bạn học cùng lớp. Mình bị so sánh nhiều đến nỗi mình có một lời tự hứa với bản thân, sau này có làm mẹ, mình sẽ không bao giờ, không bao giờ, KHÔNG BAO GIỜ (điều quan trọng nói ba lần) so sánh con mình với ai khác, ít nhất là nói trước mặt nó. Tuy mình biết, điều này khó. Bởi dù mình sống ở đây, mình vẫn ở người Việt, dòng máu, truyền thống Việt vẫn ở trong mình.
“Lại một sáng nữa tỉnh dậy trong tiếng ngáy của chồng và những giọt nước mắt của bản thân. Thêm một ác mộng nhưng để lại những cảm xúc hỗn loạn ở đời thực. Điều quan trọng là mình lại nhớ, và khi nhớ thì phải viết ra, để giải phóng những cảm xúc tiêu cực. Nếu không một ngày của mình sẽ thật sự hoang hoải. Và nếu không viết, mình sợ mình sẽ quên. Khi viết lại những dòng này, mình như thường lệ vẫn rưng rưng. Nhưng viết là điều cần thiết, để chữa lành chính bản thân mình lúc này.
Trong giấc mơ, mình bị đánh rất nhiều, bởi bố mình, vào cổ, vào bả vai. Nhưng điều quan trọng là mình cảm thấy bị oan ức. Và mình khóc giàn giụa. Bạn đã bao giờ khóc, khóc nhiều đến độ bạn muốn nói hay thanh minh điều gì, thì những tiếng bạn nghe được phát ra chỉ là những từ ngắt quãng hoà trong tiếng khóc “huhu”, tiếng mũi “sụt sịt” đôi khi nghẹn thở cùng tiếng nấc? Điều này mô tả chính mình. Người gây lỗi không phải mình, mà là anh trai. Vì một lý do gì đó, bố lại “trừng phạt” lên mình. Có thể nói, trong mình bây giờ cảm nhận trọn vẹn những cảm xúc của cô bé Jury trong giấc mơ: tức giận, tủi thân, bất lực.
Thực tế, bố đã từng đánh mình khi còn bé, vì lỗi của mình thôi. Bố mẹ mình là bộ đội nên rất nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái. Hồi bé, tầm tuổi từ tiểu học trở xuống, mình bị đánh không nhiều nhưng cũng đủ để sợ tới bây giờ.
Quan trọng hơn, mình rất hay “bị” so sánh với anh trai. Và việc đó, khiến mình hình thành tâm lý tự “so sánh” với anh. Chính vì tâm lý ấy nên mình luôn cảm thấy bất công, bất bình đẳng, nhìn đâu cũng thấy những “bằng chứng” của việc bố mẹ cưng chiều và thương anh hơn. Thậm chí có rất nhiều lúc mình nghĩ mình là con rơi con vãi bố mẹ nhặt đâu về còn anh mới là con đẻ. Những lúc stress mình luôn thầm tự hỏi: bố mẹ ruột của tui đâu, sao mãi không đến đón tui? Có đợt stress đến độ mình đã phải viết dăm ba lá thư bí mật nhét vào phòng bố mẹ.
Viết khiến mình dịu lòng hơn rất nhiều. Cô bé Jury ngày đó cũng kỳ vọng những con chữ giúp bố mẹ phần nào hiểu mình hơn. Nhưng, rồi như bạn cũng biết đấy, thay đổi một con người, dù cho họ có là người yêu, là chồng, là bố mẹ mình, là điều rất khó.
Vốn dĩ từ trong văn hoá của người Việt, “so sánh” thường được gắn nhãn với mục đích “tốt” – để người được so sánh có động lực cố gắng vươn lên, nhưng lại không được khác biệt với số đông. Ví dụ, bé A đứng đầu lớp môn Toán, còn bé B đạt điểm giỏi môn Nhạc. Mẹ bé B nghĩ rằng Nhạc không quan trọng, chỉ Toán, Văn, Anh mới là những môn cần tập trung, nên so sánh A với B để nhắc nhở con học tốt môn Toán hơn, lấy A làm gương. B có thể nghe lời mẹ hoặc không. Trong trường hợp bé “mặc kệ” những lời so sánh, bé sẽ bị gắn mác “không bình thường”.
Khác với văn hoá “phương Tây”, tôn trọng sự khác biệt, nghĩa là giỏi Toán hay Nhạc thì cũng như nhau, văn hoá Việt vẫn còn chút e dè. Khi bố mẹ Việt so sánh con cái mình với những đứa trẻ khác, vô tình sẽ tạo áp lực khiến đứa trẻ tự so sánh chúng với nhau, hay còn gọi là áp lực đồng trang lứa (peer pressure). Và cứ thế cái gen “so sánh” nó cứ được di truyền từ đời này qua đời khác. Nguy hiểm hơn, nó có nhiều tác dụng phụ và kéo theo nhiều “căn bệnh” khác như một hệ quả tất yếu: phán xét; khát vọng được chú ý (nổi tiếng) và không dám khác biệt.
Mình có so sánh bản thân với người khác không? Có chứ. Nhiều như sao trên trời không đếm xuể.
Khi còn bé mình là một cô bé “hay dỗi hờn”, lại còn mít ướt. Một ví dụ tiêu biểu là nếu mình thấy người (bạn) thân đi với người khác, có biểu hiện thân thiết, hoặc đi chơi đâu mà không rủ mình, thì mình dỗi, mình không nói chuyện, mình khóc giận hờn. Thế nên hội hè nào mình cũng cố gắng tham gia cho bằng được, bất kể mình có thích hay là không.
Có một chuyện rất … kinh dị hồi học cấp 2. Mình thậm chí còn tự dùng kéo rạch một đường nhỏ ở cổ tay, chỗ gần sát động mạch (!) để nặn lấy máu viết một bức thư xin lỗi cô bạn đang chơi thân. Lý do vì sao phải xin lỗi? Là vì bạn ấy đã hiểu lầm chuyện gì đó nên “bật” chế độ im lặng hàng tuần với mình và quay ra … chơi thân với một cô bạn khác. Cũng chẳng hiểu sao trong lúc tìm cách làm hoà mình lại nghĩ ra ý tưởng “viết thư máu” kinh dị ấy. Hậu quả là tác dụng ngược, nhận được bức thư, bạn ấy hoảng đến nỗi nghỉ chơi với mình luôn. Sau này bạn có chia sẻ, lúc đó cũng định nói chuyện lại với mình rồi, mà vì bức thư nên sợ “bỏ chạy”.
Đi du học ở độ tuổi 29, học cùng, ở cùng mấy đứa 20s, mình đã ngàn lần ước mình được trẻ lại như tụi nó và có cơ hội đi ra nước ngoài sớm hơn .. 10 năm. Mỗi lần như thế, việc thực hành viết những điều biết ơn giúp mình rất nhiều trong việc vượt qua trạng thái FOMO.
Dưới đây là đoạn trích một đoạn viết ngắn trên Instagram của mình vào 09.02.2018 khi mình còn trong những ngày mới làm quen với nghề báo:
“Hãy biết tự hài lòng với bản thân
Đời này có bất công chứ? Đúng rồi, ở đâu chẳng có. Quan trọng là cách bạn nhìn cuộc sống. Công việc mà tôi đang làm tôi cho rằng rất công bằng. May mắn được trải nghiệm nhiều vị trí khiến tôi hiểu ra điều đó. Trong công việc này, làm ít, nhận ít; làm nhiều, đc nhiều, cả về lương bổng và nhiều thứ khác. Chẳng có công việc nào nhàn hạ dễ xơi. Cụm tin giải trí ư? Vào những ngày “đói” tin tưởng như dễ à???
(Cụm tin giải trí là một phần nhỏ trong chương trình Chuyển động 24, do nhóm mình phụ trách trước kia. Nhiều đồng nghiệp và cả chính mình trước kia nghĩ rằng việc thực hiện một Cụm tin giải trí 1 phút với ba tin tức biên tập tương đối “nhàn” so với những vị trí công việc khác.)
Vì vậy, hãy cứ tin rằng ai cũng đều cố gắng. Ngừng so sánh, than vãn và tị nạnh. Mỗi người có lựa chọn riêng đôi khi chẳng phải vì tiền hay đam mê mà còn ti tỉ lý do khác. Chỉ nên tôn trọng và sẻ chia. Lúc nào nên chụm, khi nào nên bung? Cái nghề này cần dùng nhiều lý trí. Nhưng đôi khi nên tự hài lòng với bản thân. Thấy stress quá thì làm ít đi để lấy lại năng lượng, khi sung sức thì lại “thả rông phi mã”. Chạy nhanh, chạy nhiều chẳng bằng dai sức. Đường xa mới thấy rõ ai hơn ai.
Yêu bản thân nhiều hơn một chút, vậy thôi.”
2. Phán xét
So sánh và phán xét đúng là “cặp bài trùng” khó tách rời. Mối quan hệ tương hữu này vừa có thể là nguyên nhân và kết quả của nhau. Từ ý thức hệ so sánh, con người có xu hướng phán xét chính mình và những người xung quanh. Mình chưa được như người ta thì mình dằn vặt chính bản thân và nếu có điều kiện cố mọi cách trong cuộc đua mà chỉ có mình mình tham gia. Tệ hơn là việc ngày ngày tốn công dùng kính lúp đi soi xét xem “người ta” có điểm nào chưa hoàn hảo, có sơ sểnh lỗi nào để nhanh thật nhanh xông đến vạch lá tìm sâu: ha, tôi là người đầu tiên tìm ra đó. Tôi “chống mắt lên” chờ coi bao giờ cô/anh “ngã ngựa”. Còn nếu người ta là “mây không cùng tầng” thì mình dễ dàng khinh thường và đánh giá thấp.
Mình có phán xét người khác không?
Dưới đây tiếp tục là một đoạn trích ngày 02.02.2018:
“Cuộc sống của một người khổ hay sướng là do ai quyết định? Chính bản thân mình.
Một người sống ở thành phố nhìn vào một đứa trẻ dân tộc phong phanh quần áo, đi chân đất, và nghĩ họ khổ. Chưa chắc. Trường hợp 1: Họ khổ thật và không có tiền mua đôi dép cho con. Trường hợp 2: Họ ở vậy quen rồi. Đôi dép, vừa là vật xa xỉ, mà lạ lẫm với họ. Có thể họ chẳng cần.
Làm sao để đánh giá một người là tốt hay xấu? Là tích cực, tiêu cực, là ích kỷ, vô tâm, hay tham lam, hỗn láo, … Người tiếp xúc, nói chuyện với người đều qua lăng kính thế giới quan riêng. Chẳng ai hiểu hết về một con người đủ để dễ dàng “chốt hạ” họ là người như thế nào. Cả kể người đó có là bố mẹ chúng ta. Không phải ai đẻ con cũng hiểu tính con. Bởi vậy các cụ mình mới có câu: Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Đến những người thân yêu nhất nhiều khi còn chẳng thể định nghĩa được, huống chi những bạn thân, bạn đồng nghiệp, bạn xã hội, bạn mạng xã hội, bạn quán nước chè?
Gần đây mình hay gặp những người “khẩu xà tâm phật”. Không biết “tâm có phật” không, nhưng những lời nói với người khác (dù lúc nóng giận hay bình thường) thì xấu xí vô cùng. Vậy thì lời nói xấu xí có thể đi cùng với nhân cách tốt đẹp?
Mình nghiệm ra con người đa dạng lắm với rất nhiều phong cách sống. Mỗi người một kiểu ấy, không một ai giống ai trên quả đất này và cả kể … các hành tinh khác. Nên làm ơn, đừng áp cái quy định, nguyên tắc, phong cách sống của bản thân lên người khác. Nhuộm tóc bạch kim, săm hình là gái hư à? Cứ tóc đen là gái ngoan à?
Và khi đã dẹp trò phán xét người khác qua lời nói trong các cuộc buôn dưa lê, chat…. cũng thôi luôn chuyện nhào lộn họ trong suy nghĩ. Mệt đầu, mệt thân. Lo cho bản thân, gia đình còn chưa đủ hay sao mà còn để một hoặc nhiều người trong đầu, suy nghĩ về hành động của họ và tự thắc mắc có khi trăn trở: “Tại sao họ lại làm/cư xử như vậy?” Nếu bạn là ông bà bố mẹ hoặc là nhân viên hay quản lý của người giả định trên, thì những suy nghĩ của bạn có thể nhân gấp bội.
Có ai đếm nổi bao nhiêu sợi mây hay các tia nắng? Vậy thì đừng phán xét người khác qua góc nhìn bé tí bằng 1/2300 đáy giếng của bạn!”
Đến bây giờ khi đọc lại, mình không nhớ vì sao lại có con số “1/2300” nhưng chắc hẳn con số cũng có sự liên quan đến “tâm sự” của mình lúc ấy.
Bài viết đã dài. Mình hẹn bạn ở phần II của FOMO: khi bạn có khát vọng được chú ý (nổi tiếng) hoặc ngược lại không dám khác biệt.
(to be continued)
Related
Discover more from Jury Nguyen
Subscribe to get the latest posts sent to your email.