Vài lời thán phục
Trước khi trích lược những chia sẻ đầy tâm huyết của thầy Minh Niệm, mình xin có một vài bình luận:
- Điểm mình không thích nhất mà đúng hơn, có thể là chưa hiểu rõ nhất chính là bố cục của cuốn sách. Cuốn sách không được chia ra thành các phần, mục rõ ràng. Tiêu đề của mỗi bài học thường là một danh từ, động từ hoặc tính từ ngắn hai chữ.
- Điểm tâm đắc: Cũng chính vì “nhược” điểm bên trên mà người đọc sẽ dễ mang tâm lý “chán” khi mới chỉ đọc tiêu đề. Nhưng cách triển khai câu chuyện ở từng bài học thật sự để lại nhiều suy ngẫm trong lòng người đọc.
Một điểm nữa mà mình hoàn toàn xin ngã mũ bái phục tác giả, chính là khả năng “làm văn” của ông. Hay nói cách khác, ông đã sử dụng và kết hợp các câu chữ chuẩn chỉnh (không một chữ thừa, chữ thiếu) để đưa dẫn tới những ý tưởng, kết luận sâu sắc, mang ý nghĩa sâu sa, không trùng lặp. Câu chữ của tác giả hàm ý nhưng lại không gây khó hiểu cho người đọc. Lý do khiến mình thán phục hơn là bởi tác giả có thời gian sinh sống tại Mỹ. Nhiều bạn trẻ hiện tại hay đả kích, ném đá những ai cứ hơi chút lại chêm chút tiếng Anh vào. Nhưng thực tế, khi đã sống, quen dùng và tư duy một ngôn ngữ trong một khoảng thời gian nhất định, sẽ rất khó để ngay lập tức chuyển sang dùng thành thục một ngôn ngữ khác, dù cho đó có là tiếng mẹ đẻ. Bởi bộ não chúng ta luôn cần thời gian để luyện tập, giải mã ngôn ngữ. Mình mới chỉ sống ở nước ngoài có 2 năm, vậy mà đôi khi trong giao tiếp với người Việt, cũng tiện dùng luôn một vài từ tiếng Anh để diễn tả. Thế mới nói, cái cách tác giả hành văn tiếng Việt gián tiếp tôn vinh và nâng tầm tiếng Việt như thế nào.
Giờ thì xin mời các bạn bước vào thế giới của “Hiểu về trái tim”.
Khổ đau
Ngay cả với những điều được cho là chính đáng, nếu thấy không có nó mà ta vẫn có thể sống vững vàng và hạnh phúc được, thì ta cũng nên cố gắng khước từ để tâm ta bớt lệ thuộc vào hoàn cảnh. Nhờ vậy, khi hoàn cảnh biến động thì ta vẫn an nhiên bất động. (t.23)
Nếu ta cứ dung dưỡng cho cái tôi yếu đuối mãi thì đừng hỏi tại sao đời mình cứ khổ đau hoài … Càng bớt tự ái là càng bớt khổ đau. Hết vì cái tôi là hết khổ đau. (t.24-25)
Hạnh phúc
Cái trạng thái tâm lý không muốn tìm kiếm thêm điều gì và không cần phải loại bất cứ điều gì mới chính là hạnh phúc chân thật. (t.34)
Tức giận
Khi nguồn năng lượng giận gần như được mặc định trong tâm thức, chỉ cần một hành động không dễ thương hay một hoàn cảnh trái ý nho nhỏ cũng đủ khiến nó bị kích động. Nó sẽ nhanh chóng biến thành cơn giận dữ dội mà chính ta cũng bất ngờ. (t.53)
Khi có kinh nghiệm, ta sẽ phát hiện ra cơn giận vốn không có thật. Nó chỉ là nguồn năng lượng được sinh ra từ vài sai sót trong sự vận hành của guồng máy tâm thức như: nhận thức sai lầm, trí tượng tượng phóng đại, cảm xúc nhạy bén, các giác quan không được phòng hộ cẩn thận. (t.55)
Trừ phi không tự chủ được mình, chứ ta đừng bao giờ cố gắng giả bộ nổi giận để mong bên kia thức tỉnh và hành động đúng đắn trở lại. Không ai thích đón nhận những cảm giác nặng nề và khó chịu cả. (t.57)
Câu nói này phản ánh đúng suy nghĩ của mình nhiều năm trước. Mình từng, đúng như vậy: “cố gắng giả bộ nổi giận để mong bên kia thức tỉnh và hành động đúng đắn trở lại”. Thực tế không những người kia chẳng đổi thay mà còn tạo ra những khoảng lặng lúc ngắn lúc dài rất căng thẳng.
Cô đơn
Thật ra chính sự cô đơn đã mang lại cho ta một cơ hội quý giá để tìm về chính mình. Vì khi ngồi đối diện mãi với chính mình bằng tâm trạng bình yên và thái độ khám phá, thế nào ta cũng tìm thấy sự thật sâu xa về con người của mình. (t.101)
Kính trọng
Nếu biết được lỗi thuộc về người kia thì ra cũng hãy tự nhắc nhở mình đó chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng thể tuyệt vời của họ. Đừng bao giờ quên, chỉ có hành vi xấu xa chứ không bao giờ có con người xấu xa. (t. 147-148)
Nghi ngờ
Immanuel Kant, triết gia người Đức, đã phát biểu:” Cái mà chúng ta biết về thực tại là do chúng hiện lên đúng như trình độ mà chúng ta thấy về nó” (t.149) (Ontopology)
Ta nghĩ thà nghi lầm còn hơn tin lỡ. Đó là một sai sót rất lớn của cơ chế tâm lý. Nếu không chữa trị thì sớm muộn gì nó cũng chuyển sang mức độ nặng hơn như là phán xét hay vu khống. (t.155)
Dường như ta đang cố gắng phanh phui những điểm yếu hay những vụng về lầm lỡ của người kia, để ta tránh xa hoặc cổ vũ người khác tẩy chay họ, chứ không phải để hiểu và thương họ hơn … Thế nên, nghi ngờ thường chỉ làm cho ta yếu đuối và hèn nhát hơn mà thôi. (t.155)
Phản ánh đúng thực tại của một bộ phận cộng đồng mạng luôn luôn tìm cách tấn công mọi vấn đề, đặc biệt của người nổi tiếng. Điều này không phản ánh họ có kỹ năng phản biện “critical thinking” mà thể hiện cái nhìn tiêu cực méo mó của họ ở mọi nơi.
Lắng nghe
Thực tế, nếu ta còn nôn nóng lo ra, còn giận hờn bực tức, còn mang theo kinh nghiệm cũ kỹ về người ấy thì ta sẽ đánh mất khả năng lắng nghe từ đầu, dù ta đang cố gắng nghe…
“Lắng” chính là sự im lặng sâu sắc của con tim. (t.163)
Phán xét
Nếu không được sự đồng thuận cùng chịu trách nhiệm của đại chúng, hay không xuất phát từ tấm lòng tốt muốn giúp đỡ thì ta đừng bao giờ buông ra năng lượng phán xét, dù trực tiếp hay gián tiếp. (t. 173)
Làm mới
Lúc nào ta cũng đi đứng vội vàng, nói năng hấp tấp, dễ dàng bực tức khi không vừa ý, sẵn sàng buông ra lời nhận xét tiêu cực và cố chấp, mỗi khi được góp ý là tự ái và bỏ đi ngay. (t.193)
Tuyệt vọng
Nhiều khi ta không thoát khỏi vực thẳm khổ đau không phải vì ta không đủ sức, mà có thể vì ta đang muốn tự giam mình trong tình trạng thê thảm ấy để kích động lương tâm của người kia như một kiểu trừng phạt. (t.242)
Đó cũng là một dạng trầm cảm – thích giam cảm xúc ở cung bậc thấp để thoả mãn mặc cảm thua sút. Thật ra, trong sâu thẳm thì đó cũng là cách để loan báo cho mọi người biết về cái khổ đau mà ta đang gánh chịu, nhưng lại muốn được xót thương hơn là cứu giúp. (t.243)
Câu chữ này sao mà nó có thể đúng quá vậy. Nó mô tả cả chính tôi và cả những người tôi quen khi chúng ta thất tình 🙂
Thành thật
Mất đi quyền lợi thì ta còn vạn cách để khôi phục nhưng lỡ mất đi sự hồn nhiên chân thật thì ta sẽ không biết tìm lại bằng cách nào. (t.215)
Ta không thể gắng gượng áp đặt chân lý tốt đẹp vào nhận thức của mình khi nó đang rơi xuống một vị trí quá thấp. (t.216)
Muốn hiểu được chính mình thì ta không được dùng ý chí để nhồi nặn tâm mình thành ra một sản phẩm tốt đẹp để rồi tự lừa dối mình…. (t.217)
Lý do ta không thấy được chính mình đó là do sự can thiệp quá vội vàng của ý chí. Bởi ý chính là năng lực hướng tới sự tốt đẹp, nó được làm ra từ những kinh nghiệm và kiến thức tích luỹ. Trong khi thực tại lại là một cái gì đó rất khác với trình độ ý chí. (t.217)
Vì thế, nhìn vào tâm thức của mình cũng cần có thái độ thành thật. Khi ta chưa biết cách tháo gỡ đúng đắn thì hãy quan sát nó hư chính nó đang là. Đừng bắt ép nó phải như này hay thế kia. Cái nhìn thành thật ấy thường được gọi là trực giác – nhìn như mới nhìn lần đầu tiên. (t.217)
Chỉ cần im lặng và thong thả quan sát như xem cuốn phim đang từ từ mở ra thì ta sẽ thấu hiểu được từng mảnh tâm lý từ thô lậu đến tinh tế … (t.218)
Do dự
Ta hãy khôn ngoan trở về khám phá chính mình để làm chủ đời mình. Đó mới là sự thành công cần thiết nhất… Sự thật, cuộc đời này không có thành công lớn hay nhỏ, mà chỉ cái đem tới cảm xúc nhất thời hay giá trị hạnh phúc chân thật mà thôi. (t.292)
Yếu đuối
Khi ta quan niệm rằng càng được đón nhận cảm xúc tốt từ sự công nhận của người khác thì cuộc đời ta sẽ có giá tị hơn, tức là ta vẫn chưa tìm thấy sức mạnh bên trong của mình. (t.335)
Buông xả
Buông xả chỉ trở thành phép thực tập bổ ích khi nó đứng giữa sự tranh đấu của thói quen yêu thích và thái độ không bám víu, chứ không phải vì không cần nữa nên ta mới buông xả. (t.366)
Định tâm
Không suy nghĩ là một trạng thái rất quan trọng, giúp tâm quân bình và sâu sắc. (t.382)
Để rèn luyện cho mình thói quen định tâm, điều kiện trước tiên là ta phải bớt bận rộn. Phải tự cho mình một cơ hội lớn tìm về chính mình. (t.384)
Cảm xúc
Hoạt động của con người nằm trong sự điều khiển của cơ chế tâm lý gồm có bốn yếu tố: tâm thọ (cảm giác), tâm tưởng (tưởng tượng), tâm hành (phản ứng yêu ghét), tâm thức (nhận biết và ghi nhớ). (t.392)
Cảm xúc là những phản ứng nhất thời để bảo vệ quyền lợi của bản ngã. (t.393)
Bản chất của cảm xúc là tạm thời … là phần phản ứng cạn cợt của tâm lý. (t.394)
… sống là phải hưởng thụ. Nhưng càng hưởng thụ thì ta càng dễ nghiện ngập và trở nên yếu đuối. Do đó, kẻ khôn ngoan phải biết hy sinh những cảm xúc tốt không cần thiết, chấp nhận những cảm xúc xấu cần thiết để vươn tới những mục đích cao cả hơn – những loại hạnh phúc lâu bền và chân thật. (t.395)
Phiền não vốn là hiện tượng nên cảm xúc cũng là hiện tượng … Quan trọng nhất không phải là triệt tiêu cho được phiền não, mà ta cần thấu hiểu cơ cấu của chúng. Mỗi khi thấy năng lượng cảm xúc trào lên, nếu có thể thì ta hãy ngưng ngay công việc đang làm để ưu tiên quay về chăm sóc cảm xúc … (t. 398-399)
Điều nên làm là cần siêng năng duy trì thói quen quan sát mọi diễn biến trong tâm ở mọi tình huống thì ta sẽ nhìn ra tính chất không thật của những cảm xúc ấy. (t.399)
Related
Discover more from Jury Nguyen
Subscribe to get the latest posts sent to your email.