“Yêu bản thân” là cụm từ khá chung. Câu hô hào và lời khuyên phổ biến bạn có thể nghe và đọc ở bất cứ đâu. Nhưng hành động như thế nào là yêu bản thân hoặc làm sao để yêu bản thân hơn, thì không phải ai cũng đề cập.
Thầy Thích Nhất Hạnh, thầy Minh Niệm trong các cuốn sách của mình đều nhắc đến chữ “Hiểu” trước khi đến với chữ “Yêu”. Nghĩa là muốn yêu phải hiểu. Phải hiểu thì mới yêu. Yêu là một trạng thái cảm xúc còn hiểu là con đường dài dẫn đến trạng thái đó.
Chữ “Hiểu” thì ngắn nhưng hành trình để đạt được, thì có thể mất cả đời. Một ví dụ tiêu biểu, “không hiểu nhau”; “không nói chuyện, chia sẻ với nhau” là lý do phổ biến của những cặp vợ chồng hoặc tình nhân khi chia tay. Không khó để giải thích, họ đến với nhau, yêu và cảm mến nhau vì những “cái hiểu” một phần con người. Khi khám phá thêm, hiểu thêm các phần khác, thì … không chịu được hoặc cảm thấy không hợp để sống tiếp. Con người chúng ta với bộ não tiến hoá, khá phức tạp để nói mình có thể hiểu hết về một ai đó trong thời gian ngắn. Đến bản thân chúng ta, cũng phải mất nhiều thời gian, trải qua biến cố hoặc thời gian tu tập, quay lại vào trong quan sát mình nhiều hơn, chỉ để hiểu.
Vậy nên những thiền sư, người tập yoga, thực hành thiền,… một khi bắt đầu họ cứ tiếp tục vì hành trình này giúp họ hiểu bản thân và kết nối với bản thân tốt hơn.
Lý thuyết tạm là thế, bây giờ mình chiêm nghiệm những quan sát bản thân gần đây. Để thấy mình hiểu hơn về bản thân như thế nào và việc hiểu đã giúp cuộc sống của mình hạnh phúc hơn như thế nào.
Vấn đề về tinh thần
- Mất trí nhớ tạm thời hay ký ức lãng quên?
Có một cảnh trong Inside Out I về một số ký ức của cô bé nhân vật chính, nếu không được gợi nhắc, sẽ rơi vào vùng quên lãng.
Mình cũng rơi vào tình trạng như vậy. Nhớ lại về thời kỳ bận rộn đi công tác khi làm ở VTV trước kia, mình không có nhiều ký ức về gia đình. Mình không thể nhớ nổi trong khoảng thời gian đó gia đình đã có những sự kiện chính nào xảy ra. Mẹ mình có đi mổ, mà bây giờ mổ cụ thể ở vị trí nào mình không nhớ rõ, vì mình không đi cùng. Lúc đó mình đang đi công tác ở đâu đó.
Nhưng mình nhớ rõ các nhân vật mình làm phóng sự, những cảm xúc cả tiêu cực và tích cực. Mình từng stress ra sao, những chuyến đi mang lại những trải nghiệm như thế nào. Cuộc sống trước kia dành 200% cho công việc.
Còn bây giờ dành 100% để sống. Đi du học là cách hay để sàng lọc bạn bè, những mối quan hệ. Tập trung vào những mối quan hệ chất lượng và đặc biệt dành thời gian nhiều nhất có thể để nói chuyện với bố mẹ, gia đình. Hầu như ngày nào mình cũng cố gắng gọi điện về nhà. Trước là vì tính mẹ mình hay lo, không gọi không được. Dần dần quen quen, cách nhau nửa quả đất nên việc hỏi thăm vài câu hàng ngày cũng khiến lòng mình yên tâm. Mình biết ơn lắm vì bố mẹ vẫn còn khoẻ để mình được nói chuyện, được dành thời gian để quan tâm.
2. Khó ngủ – Mất ngủ
Mình đã có riêng một bài viết về vấn đề này. Có rất nhiều lý do nhưng qua quá trình quan sát, trải nghiệm, nay mình đã có “chiêu” để yêu chiều bạn “não”, giúp bạn được thả lỏng khỏi over-thinking hay non-stop thinking.
Vốn thính ngủ nên dù một tiếng nhạc, nói chuyện, hay đặc biệt tiếng ngáy sẽ khiến mình khó vào giấc. Vậy nên mình cần đọc. Đọc giúp tâm trí mình tập trung và dịu đi sự xáo động trong não. Mắt mình có thể mỏi, mồm thì ngáp nhưng nếu não không chịu nghỉ thì … mình sẽ vẫn thức.
Nút tai giúp mình giảm tiếng ồn xung quang và Yoga Nidra giúp mình thả lòng cơ thể nhanh và sâu hơn.

Vấn đề thể chất
- Đau cổ vai gáy
Từng có lần phải điều trị vật lí trị liệu vì cổ vai gáy bó cơ do tư thế ngồi làm việc “bất động” quá lâu. Đây cũng là bệnh “kinh niên” của dân văn phòng. Bây giờ thì mình không để “kệ” được.
Ngồi học theo Pomodoro 50 – 10, sau đó trong 10 phút nghỉ cố gắng tập các động tác nhẹ nhàng vận động cổ vai lưng. Xen kẽ là các bài tập nhảy Zumba, … khiến mình dai sức hơn, có nhiều năng lượng để học và làm việc hơn.
2. Cách nạp năng lượng
Cách bạn thu nạp năng lượng nhanh nhất là gì? Mình là: đi ra ngoài hít thở không khí trong lành và ăn ngon. Hai điều này mình làm khi đang ở trạng thái vui vẻ, muốn tự thưởng bản thân hoặc đang cạn kiệt năng lượng. Chỉ cần đi ra ngoài một thời gian ngắn, đi chợ mua đồ, đi lên thư viện, pin năng lượng của mình sẽ được nạp.
Đi ra ngoài cũng giúp mình quan sát cuộc sống nhiều hơn. Ví dụ, ở nơi mình đang sống, đi ra ngoài được nhìn thấy rất nhiều người già. Tuy cao tuổi nhưng họ vẫn ra ngoài sinh hoạt bình thường: đi chợ, đi dạo, uống cafe. Có người đau chân thì sẽ có những xe đẩy hoặc nạng hỗ trợ. Mình nhìn thấy họ hàng ngày ngoài đường, nhưng hôm nay khi nhìn vài cụ trên bus, mình chợt có suy nghĩ: cuộc sống của mình có điều gì cần phải than phiền khi mình vẫn có hai đôi chân khoẻ mạnh để tung tăng bay nhảy những nơi mình thích? Với suy nghĩ đó, buổi tối trước khi đi ngủ mình thỉnh thoảng hay ngâm chân, xoa bóp chân. Cảm ơn đôi chân đã khoẻ mạnh để đưa mình đi muôn nơi.
3. Shopping “2-hand”
Đây chính là sở thích của mình. Có đợt mình đi “shopping” khá nhiều, trúng dịp các nhãn hàng giảm giá. Có lúc mình không đi shop, mà chỉ đi xem và thử đồ thôi. Có đợt thử nhiều quần bò, mình nhìn cũng có thể đoán chiếc quần đó có vừa mình không. Việc làm này hại “ví” nhưng lại lợi là mình biết được “gu” và “size” của mình.
Trước kia mình luôn ỉ lại việc bản thân khá dễ mặc đồ, nên mình mặc gì cũng được, không quan tâm lắm đến mix & match … Bây giờ khi có sự lựa chọn, mình muốn mặc đồ bền vững với môi trường, chất lượng tốt và tôn dáng vóc của bản thân.
Là con gái, ai mà không muốn mình xinh nhỉ 😉
4. “You’re what you eat”
Giống như ăn mặc, mình khá xuề xoà trong chuyện ăn uống. Do mình dễ ăn, ăn gì cũng được, không kén hay kiêng khem gì nhiều. Điểm lợi là dễ nuôi, nhưng hại cũng có một vài: không biết thưởng thức món ngon, nấu ăn mix & match lung tung, tỉ lệ thất bại và thành công 50 – 50 …
Đợt vừa rồi mình bị cúm B, và chán ăn. Ăn gì cũng chán. Cố ăn chút chút để uống thuốc chứ ăn gì cũng thấy không ngon. Lần đầu tiên trong cuộc đời, mình mới biết đến cảm giác chán ăn là gì. Cả khi bị Covid, mình vẫn ăn uống bình thường. Mình tự cho mình nghỉ ngơi 1 tuần để khoẻ hẳn, dù deadline Thesis treo trên đầu. Chưa bao giờ, mình thấy mệt như lần bị cúm lần này. Rệu rã cả cơ thể và thiếu sức sống.
Ngày xưa mình nhớ hồi đi học có bài học Sinh học về những chất mà cơ thể chúng ta cần hàng ngày. Nhưng vốn cũng không quá đam mê nấu ăn và ăn uống dễ, nên mình đã luôn quên. Bây giờ, mình thấy việc tìm hiểu những kiến thức này rất thiết thực để tránh lãng phí và có những bữa ăn chất lượng hơn. Từ đó, cơ thể khoẻ mạnh hơn nhiều cả về thể chất và tinh thần. Nên sắp tới, mình sẽ cân nhắc và biến việc tìm hiểu những kiến thức về chế độ ăn uống, cơ thể con người thành sở thích: rảnh là đọc.

Tạm kết: Trên đây không phải những phát hiện mới mẻ về bản thân. Chỉ là những quan sát, những thay đổi trong suy nghĩ gần đây, khiến mình tự thấy mình hiểu hơn về bản thân một chút. Quá trình tìm hiểu cần thời gian thử nghiệm xem cái gì phù hợp, giống như làm thí nghiệm vậy, đòi hỏi sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn thì mới hiểu, mà hiểu mới thương và yêu bản thân chúng mình được.
Sau đó mình yêu ai cũng được, yêu cả thế gian, vì mình biết cách chỉ cho người ta cách yêu mình.
Related
Discover more from Jury Nguyen
Subscribe to get the latest posts sent to your email.