Khi viết những dòng này mình đang ngồi trên chuyến tàu ICE từ Bonn về Berlin. Ngồi đối diện mình là một vị khách nam. Có thể anh là giáo viên Toán đang chấm bài của học sinh. Mình thấy một tập bài với những đồ thị, cây bút bi đỏ và chiếc máy tính casio, loại hồi cấp 3 chắc ai cũng phải dùng. Dưới chân anh là chú chó Shiba đang nằm ngủ ngon lành. Bên ngoài cửa sổ nắng đã lên. Chút ánh nắng hiếm hoi của mùa đông thỉnh thoảng le lói từng tia qua kẽ lá hắt vô bàn.
Chưa bao giờ mình thấy tự do và yên bình như thế này.
Vậy là đã gần 3 năm mình nghỉ việc. Hơn 2 năm bắt đầu một cuộc sống mới ở châu Âu: học tập, không làm việc (dù là part-time), khám phá bản thân và thế giới. Sẽ là không chính xác nếu mình nói mình bắt đầu từ số 0 vì khi rời Việt Nam mình đã có những hiểu biết và kinh nghiệm nhất định. Nói một cách khác, nhận thức của mình đã được định hình, dĩ nhiên chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố. Mình luôn tự nhận bản thân là người sẵn sàng học hỏi “open-minded”, nhưng không thể phủ định những định kiến hoặc kiến thức không hoàn toàn “chính xác” và đa diện đã được bồi đắp theo năm tháng trong suốt 30 năm ở Việt Nam, và trở thành nhận thức của mình hôm nay. Vì thế, trong suốt 2 năm qua mình cố gắng đi, sống, học tập và trải nghiệm bằng con mắt và tâm hồn ngây thơ của một đứa trẻ: hỏi nhiều, nhìn mọi thứ như nó diễn ra và tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc của bản thân.
Dưới đây, mình tổng hợp X điều mà mình đã đang học được sau 2 năm sống một mình ở châu Âu.
1. Cần dành cả đời để học
Hình thức: đọc, xem và đi. Nhưng phải nhấn mạnh, dù có dành cả đời để học, những gì con người chúng ta biết cũng chỉ như những hạt cát nơi sa mạc. Bởi vũ trụ luôn luôn vận động như cách Trái Đất vẫn luôn xoay quanh chính mình và Mặt Trời.
Mỗi sớm mai khi tỉnh dậy, mình thực hành biết ơn và cố gắng để mỗi ngày học thêm một điều mới một cách không gượng ép. Điều mà mình hay biết ơn nhất chính là việc bố mẹ đã đưa mình đến thế giới này với một cơ thể không khiếm khuyết, đặc biệt đôi mắt có thể nhìn rõ mọi vật và đôi chân có thể đi bất cứ đâu mà nó muốn. Vậy mình đã có đầy đủ những “công cụ” cần thiết nhất để học.
Chương trình mình đang theo học của Prague và sang đến kỳ học trao đổi ở Bonn, nhưng môn học nhìn chung mình đều rất thích. Mình cảm thấy, trộm vía có chút may mắn và rất hài lòng với những sự lựa chọn của bản thân. Bởi mình được học thực sự rất rất nhiều: những điều kỳ vọng và những điều vượt ra ngoài mong đợi.
Mình nói may mắn bởi không phải lúc nào sinh viên cũng hài lòng với các chương trình học ở châu Âu. Mình đang không đề cập đến nhóm đối tượng học trái ngành hoặc lựa chọn học những gì bạn không yêu thích, mà nhóm những bạn đã cân nhắc lựa chọn ngành mình thích. Nhưng đôi khi trong thực tế, nó lại không như những gì bạn kỳ vọng, ví dụ quá lý thuyết hoặc đơn giản là bài giảng, người giảng quá chán. Bạn đến châu Âu với những kỳ vọng nhất định và cảm giác thất vọng với chương trình học hoặc học mãi vẫn không hiểu sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bạn ở châu Âu.
Mình học chương trình “Media và Area Studies”, thuộc khoa Social Sciences (SS). Mình có bài viết riêng review về chương trình tại đây. Chương trình của mình tương đối mới và nó không hoàn hảo. Nhưng phải đến 80% mình hài lòng với những môn học bởi nó mang lại cho mình những kiến thức mình cần và kỳ vọng nhận được và ngạc nhiên hơn, cả những gì mình không kỳ vọng.
Ví dụ ngắn gọn điều mình cần là: Kiến thức về châu Âu nói chung từ hệ thống chính trị , mối quan hệ giữa các nước, EU, nhập cư …
Kiến thức rất thú vị, không kỳ vọng mà mình đã học được: tầm quan trọng và sự tác động của trí nhớ (memory) trong SS rồi sơ lược về sự tác động của chủ nghĩa hậu thực dân (post-colonialism), nhận thức học (epistemology) và bản thể học (ontomology) tới hình thành nhận thức của con người.
Và cả tiếng Đức. Từ những cảm nhận đầu tiên không phải quá yêu thích, giờ mình đọc sách, xem phim và nghe nhạc với một trạng thái hứng thú học không gượng ép. Mình nghĩ sự yêu thích này đến từ việc mình tôn trọng bản thân, tôn trọng việc bản thân cần có thời gian làm quen một ngôn ngữ mới, thay vì gượng ép học để thi hay vì những mục đích khác như tiếng Anh ngày xưa. Cụ thể từ hơn một năm nay, mình vẫn bật tin tức, podcasts tiếng Đức làm background sound và mình cứ để thế dù mình đôi khi làm việc khác không để ý nội dung, hoặc có để ý cũng không hiểu gì.
Tản mạn nhiều thứ xin tổng kết phần này bằng câu nói của em Linh ở Bonn: học tiến sĩ là để cho mình, vì chính mình đầu tiên sẽ là người “được” nhất, được tiếp xúc gần nhất với những “đứa con” tinh tuý và trí tuệ của những học giả, cảm giác thật tuyệt vời biết bao. Chứ đừng hy vọng lớn lao rằng mình có thể tạo ra một giá trị hay điều gì lớn lao cho cuộc đời.
Cũng chưa có quyết định là mình có học lên tiến sĩ hay không? Nhưng bây giờ mình thấy việc học lên không hề nặng nề. Vì dù học lên hay không, mình cũng sẽ “được” nhiều nhất. Tự dặn bản thân: nói nhiều không sao, nhưng tập nghĩ và nói chất lượng. Khiêm tốn và lắng nghe nhiều hơn.
2. Ai chẳng có định kiến. Quan trọng bạn có sẵn sàng tự đập vỡ nó không?
Định kiến sinh ra khi não bộ của đứa trẻ bắt đầu hình thành. Bắt đầu từ những định nghĩa, quy định mà cha mẹ nói cho đứa nhỏ. “Định kiến” chỉ đơn giản là những suy nghĩ, kiến thức định sẵn, và có mặt ở khắp mọi nơi trong đời sống hàng ngày. Từ chuyện ăn uống, ăn gì thì tốt, không nên ăn gì, ăn xong không được chạy nhảy đến những quan điểm con trai thì phải biết sửa điện, nước con gái lo việc nữ công gia chánh.
Phạm vi kiến thức mà con người biết thường khó bao hàm được tất cả mọi sự việc sự vật trên Trái Đất. Những gì chúng ta biết, dù là Tiến sĩ hay Giáo sư sẽ luôn luôn có những điểm mù, kiểu Tùi Mù. Vì thế mà ta nên bước ra thế giới với một cái đầu mở, chấp nhận thách thức tất cả những gì ta nghĩ, ta biết vì có thể nó sai lè.
Môi trường sống tạo ra sự thay đổi. Rất nhiều điều trước có thể khó hiểu hoặc không thể lý giải, nay chính mình lại đang thực hiện và lại còn rất mong ngóng, “happy” để thực hiện nó.
Ví dụ tiêu biểu như chuyện “tắm nắng”. Tại sao “tụi Tây” thích tắm nắng? Tại sao tụi ấy sang Việt Nam chỉ để tắm nắng tanning, nằm ườn dưới nắng giữa trưa? Rồi bây giờ mình thấy mình ngóng ánh nắng mặt trời đến nhường nào. Bạn phải trải qua mùa đông âm u và lạnh giá ngày qua ngày mới hiểu giá trị của những tia nắng ấm áp. Chưa đạt đến level tắm nắng hàng giờ, nhưng mình đã phơi mặt để ánh nắng chiếu vào sưởi ấm mà không cần che chắn hàng hàng lớp lớp vải. Và “hậu quả” là mùa hè vừa rồi, mình có đen đi nhá.
Mình biết, trong mình có rất nhiều định kiến đã đang được hình thành. Một vài cái đã bị đập vỡ như là Định kiến về “bọn Tây”. Và có thể trong tương lai, những gì mình biết hiện tại cũng sẽ sai tè tè le. Điều này càng khẳng định, “critical thinking” rất quan trọng. Nếu không tự mình trau dồi học tập, một lúc nào đó, bạn sẽ tụt hậu trong những định kiến sai lè của mình.
3. Hiểu bản thân
Giống như nhiều cô gái trẻ khác, mình cũng có “nhiều” năm mê mải xem bản đồ sao, tử vi, tarot, thần số học… Lúc được bạn xem hay lúc nào đọc được một cái gì hay ho thì cũng tâm đắc lắm. Sau đó thì cũng kì là mình quên luôn.
Thời gian đi du học, mình có thời gian tĩnh lặng một mình khá nhiều. Mình biết ơn lắm vì khi nhìn lại, mình thấy đây là khoảng thời gian thật sự cần thiết để mình hiểu mọi mặt về bản thân trước khi bước vào cuộc sống chung với ai đó.
Nghĩ mà xem, ngày bé sống với bố mẹ trong nhà bố mẹ, được bố mẹ cho ăn, cho mặc và chỉ dẫn cho mọi thứ. Một cách dễ hiểu, mọi đứa trẻ đều bắt đầu cuộc sống từ những quyết định của bố mẹ. Sau đó, người con gái, con trai kết hôn sẽ sống cùng với bạn đời của mình. Vậy là chưa kịp có thời gian một mình đã phải tiếp tục sống chung với một hoặc nhiều người khác.
Nhờ sống một mình trong 2 năm qua, nhiều vấn đề của bản thân đã được bộc lộ, và “lên tiếng” đủ lớn để mình nhận ra và có phương án giải quyết.
- Vấn đề mất ngủ
- Những sở thích mới được phát hiện: đạp xe, lang thang chụp ảnh
- Duy trì thói quen tốt: viết và chia sẻ
- Cần: Không gian sống tĩnh lặng
Mình thuộc tuýp người ambivert nghĩa là nửa hướng ngoại, nửa hướng nội. Fun fact là điều này tự mình phát hiện ra chứ mọi bài test đều bảo mình hướng ngoại. Khi mới gặp một nhóm bạn lạ, mình có rất nhiều năng lượng để nói, giao lưu, chia sẻ. Những lúc như thế, mình có xu hướng quên hoặc coi nhẹ cái tôi bên trong hoặc những việc mình đang làm/nghĩ. Ví dụ đơn giản, khi mình đang ở trong bếp nấu ăn hoặc rửa bát, bỗng có một người xuất hiện và nói chuyện với mình, mình sẽ bắt đầu tập trung gần như 90% vào câu chuyện. Điều đó dẫn đến việc mình bối rối trong nấu ăn hay rửa bát trong vô thức. Nếu là bữa ăn với bạn, đặc biệt người mới quen, có nhiều câu chuyện để chia sẻ, mình sẽ ăn trong vô thức. Nghĩa là ăn vào miệng nhưng không biết mình vừa ăn gì, mùi vị như thế nào. Và sau đó, rất nguy hiểm, mình sẽ quên ngay mình đã ăn gì, và đọng lại chỉ là câu chuyện đã nói trong bữa ăn.
Kiểu người như mình thực sự nên tập trung làm 1 việc quan trọng vào 1 thời điểm duy nhất. Và những khám phá kiểu như thế này, sẽ không tự đến nếu bản thân không có sự đánh giá, quan sát. Và cũng sẽ chẳng có sức mạnh tâm linh nào, có thể nói cho bạn chi tiết về bạn, bản thể duy nhất trên thế giới này.
Khi sống một mình, bạn có nhiều thời gian đối diện với chính mình, từ đó tăng sự hiểu biết. Hiểu biết về bản thân sẽ giúp bạn đưa ra nhiều quyết định phù hợp, nâng cao chất lượng cuộc sống và đặc biệt yêu, thương chính mình.Nếu chưa làm được điều này, vậy thì cũng khó để mình có thể yêu, thương người khác.
4. Sống như cách mình muốn và yêu điều mình làm
Nếu bạn sống một mình trên thế giới này, bạn sẽ sống như thế nào?
Bạn đã bao giờ tự hỏi mình điều đó chưa?
Điều này thực sự quan trọng. Nếu chưa, bạn nên tự hỏi và hãy thành thật trả lời, chỉ cho chính mình biết. Vì biết đâu, đó chính là cách mà bạn thực sự muốn sống, không bị chịu sức ép, lệ thuộc của bất kỳ ai hay xã hội nào. Từ Việt Nam đến châu Âu, mình mang theo một cái đầu nhiều định kiến và cả những nỗi sợ. Đặc biệt, với con gái, phụ nữ, ở Việt Nam chúng ta luôn luôn có những nỗi sợ được truyền lại từ các thế hệ đi trước: ăn mặc sao cho đúng thuần phong mỹ tục, nói năng nhỏ nhẹ, duyên dáng … vân vân và mây mây.
Rồi mình sống một mình ở tại những nước mà chẳng ai quan tâm bạn mặc gì, áo hôm qua có trùng cái hôm nay không, bạn đi giày gì, có hợp mốt không? Khi gặp bạn, người đối diện sẽ nhìn mặt bạn, thay vì quan tâm trang phục.
Thậm chí, có một điều mình cũng đã từ bỏ, chính là việc hạn chế mặc áo ngực ở những môi trường mình thấy thoải mái.
Vậy trở lại câu hỏi bên trên, nếu bạn được sống như thể thế giới này không ai quan tâm, phán xét cách bạn đi đứng, đồ bạn mặc, điều bạn nói … bạn có quyền tự do để quyết định điều đó, miễn là không ảnh hưởng tới ai và không vi phạm pháp luật, thì bạn sẽ sống như thế nào?
(to be continued)
Related
Discover more from Jury Nguyen
Subscribe to get the latest posts sent to your email.